Mới đây, chị M. (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) có lên mạng xã hội tìm cho con khóa học hè với nội dung quảng cáo tham gia "Học kỳ trong Quân Đội 2024".
Các tài khoản này giới thiệu có kết nối các đơn vị quân đội trên toàn quốc. Học viên tham gia được trải nghiệm môi trường đào tạo của lực lượng vũ trang; được hỗ trợ ăn uống, đồng phục và chứng nhận của các đơn vị quân đội.
Ở mục thông tin giới thiệu có thông tin địa điểm là trụ sở làm việc của các đơn vị quân đội; đăng tải các hình ảnh, bài viết từ các trang chính thống của lực lượng quân đội, đặc biệt, các đối tượng còn sử dụng hình ảnh hoạt động của lực lượng quân đội để đăng tải trong các bài viết quảng cáo.
Khi chị M. có nhu cầu, đối tượng dẫn dụ nạn nhân cho số điện thoại và chuyển sang nhắn tin Zalo, Telegram. Để tránh sự nghi ngờ của nạn nhân, các đối tượng chuyển từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ sang yêu cầu khảo sát.
Chị M. được yêu cầu thực hiện các khảo sát để đạt điểm tín nhiệm cao. Tham gia khảo sát 1 với số tiền hơn 3 triệu đồng, khảo sát 2 với số tiền hơn 10 triệu đồng, chị M đều được hoàn lại tiền và được trả phí khảo sát nhỏ. Khi tham gia khảo sát 3 với số tiền 35 triệu đồng, chị M không nhận được tiền.
Các đối tượng lấy nhiều lý do khác nhau để yêu cầu chị chuyển tiền và để lấy lại số tiền chưa được hoàn. Trong 5 tiếng, chị M. đã thực hiện các giao dịch chuyển tiền và bị các đối tượng chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.
Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Khi muốn đăng ký cho con học những khóa trải nghiệm, kỹ năng, phụ huynh nên liên hệ hoặc gọi điện thoại đến các trường, đơn vị để hỏi, xác minh rõ ràng.
Việc đăng ký nên thực hiện trực tiếp thay vì trực tuyến, chuyển khoản. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền. Trong trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.