Bị liệt sau tai biến mạch máu não có thể đi lại nhờ xe lăn đạp chân

09-12-2016 16:46 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Một trong những hậu quả nặng nề nhất mà người bệnh tai biến mạch máu não phải gánh chịu là bị liệt và phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác để di chuyển. Với xe lăn đạp chân do Nhật Bản chế tạo, người bệnh không chỉ phục hồi cơ vận động mà còn có thể tự di chuyển được mà không cần người hỗ trợ.

Đây là một trong những dự án có ý nghĩa thuộc Chương trình đối tác phát triển của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Trung tâm phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện trong thời gian 3 năm từ tháng 3/2014 đến tháng 3/2017.

Người bị liệt không hoàn toàn có thể tự đi lại

Bệnh nhân Nguyễn Việt Hưng, 39 tuổi, ở Gia Lộc, Hải Dương, bị xuất huyết não năm 2015. Trước khi bị xuất huyết não 2 tháng, anh phát hiện mình bị cao huyết áp, nhưng sau khi dùng thuốc được 1 tháng, vì chủ quan, anh tự ý ngừng thuốc thì bị tai biến. Hậu quả của trận tai biến rất nặng nề khiến bệnh nhân bị liệt nửa người do tổn thương sau xuất huyết não. Bệnh nhân  đi lại rất khó khăn vì mất cảm giác ở cả 2 chân, mỗi khi đứng lên anh cảm thấy chòng chành, mất thăng bằng. Bệnh nhân Hưng cho biết: “Sau một thời gian điều trị, đi xe này tôi thấy chiếc xe giúp tôi có cảm giác ở chân, đỡ chòng chành khi đi lại”.

Bệnh nhân Nguyễn Việt Hưng đang luyện tập phục hồi chức năng bằng xe lăn đạp chân.

Xe lăn đạp chân là xe lăn mang tính tiên phong đầu tiên của thế giới, xe có cân nặng 14 kg. Giống như một chiếc xe đạp, xe lăn đạp chân giúp bệnh nhân luyện tập, tăng sức mạnh thể chất. Việc đạp xe với một chân khỏe mạnh sẽ kích thích khả năng vận động của chân bị liệt, bài tập này sẽ giúp duy trì trương lực cơ và chức năng cơ.

Trường hợp bệnh nhân Giang Văn Bắc, sinh năm 1962, ở Thái Bình, bị liệt 2 nửa người do xuất huyết cả 2 bên não năm 2014, ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể.  Hiện bệnh nhân không thể tự ngồi, đứng, đi lại được, miệng bị méo. Theo Kỹ thuật viên Tạ Thị Thu Trang cho biết, mặc dù đầu óc, tinh thần của bệnh nhân vẫn bình thường, nhưng do bị rối loạn trương lực cơ, nên bệnh nhân không thể đứng, tự di chuyển, vận động được. Nhưng nhờ chiếc xe lăn đạp chân này, bệnh nhân có thể đi lại như bình thường do cơ vận động của bệnh nhân vẫn còn.  TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là trường hợp tương đối nặng vì bị liệt 2 bên, khả năng phục hồi để có thể tự đi lại rất khó. Nếu không có chiếc xe lăn đạp chân này, bệnh nhân suốt đời phải nằm trên giường.

Bệnh nhân Giang Văn Bắc (bên phải) bị tai biến do tổn thương cả 2 bên não có thể tự đi lại nhờ xe lăn đạp chân

Kỹ thuật tập luyện phục hồi chức năng tiên tiến cho người bị liệt đã xuất hiện tại Việt Nam

Hiện tại Trung tâm phục hồi chức năng , Bệnh viện Bạch Mai có 7 xe lăn đạp chân để phục vụ bệnh nhân đến tập luyện phục hồi chức năng vận động. TS Lương Tuấn Khanh cho biết, xe này sử dụng tốt nhất cho những bệnh nhân bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não, liệt do chấn thương sọ não, viêm não.... Ngoài ra bệnh nhân liệt 2 chi dưới không hoàn toàn, bệnh nhân Parkinson bị rối loạn chức năng vận động, hoặc những trường hợp bệnh nhân bại não nhẹ,  mắc bệnh cơ xương khớp cũng có thể sử dụng xe để phục hồi vận động.... Ngay tại Nhật Bản, các bác sĩ còn sử dụng xe này để hỗ trợ đi lại, di chuyển cho những người già và cả người bệnh.

TS Lương Tuấn Khanh - Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai


Kỹ thuật viên Nguyễn Hải Linh, Trung tâm phục hồi chức năng cho biết, xe lăn đạp chân này rất tốt khi bị liệt 1 bên, trong quá trình đạp xe sẽ kích thích tới não giúp cơ hoặc chi phía bên bị liệt vận động. Có những bệnh nhân trước khi tập lực cơ của bệnh nhân chỉ ở bậc 1, không đứng và đi lại được, nhưng sau 20 ngày tập, lực cơ của bệnh nhân tiến triển rất tốt, nhiều bệnh nhân lực cơ lên bậc 2, 3, thậm chí có bệnh nhân có thể chống gậy đi lại được hoặc đi lại được với sự hỗ trợ của người khác.

Tại Trung tâm phục hồi chức năng, trong suốt 3 năm qua đã tiến hành nghiên cứu trên 60 bệnh nhân Việt Nam bị đột quỵ não và bước đầu đều cho thấy  xe lăn đạp chân có hiệu quả cao, mức độ di chuyển, đi lại của bệnh nhân có cải thiện.

Đây là kỹ thuật luyện tập phục hồi chức năng rất tốt, đã được Bộ Y tế phê chuẩn quy trình kỹ thuật phục hồi chức năng và đã được giới thiệu  triển khai mô hình tập luyện này trên 6 cơ sở là các khoa, bệnh viện Phục hồi chức năng trên cả nước. Ngoài việc là một phương tiện di chuyển, xe lăn đạp chân còn là một dụng cụ tập luyện phục hồi chức năng tiên tiến, hiện đại.

Mục tiêu nghiên cứu triển khai mô hình phục hồi chức năng sử dụng xe lăn đạp chân, tiến tới phổ cập mô hình này tại nhiều địa phương ở Việt Nam, JICA đã tổ chức cho 26 cán bộ y tế là các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng Việt Nam sang Nhật Bản học tập. Họ đã được tham gia các khóa đào tạo hướng dẫn người bệnh tập luyện với xe lăn đạp chân để khi về nước ứng dụng mô hình này phục vụ người bệnh phục hồi chức năng.

Trong tương lai, khi xe lăn đạp chân được phổ biến tại nhiều địa phương, bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước, thì những người bị liệt nửa người hoặc liệt vận động do đột quỵ sẽ có cơ hội phục hồi chức năng vận động, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh và gia đình bệnh nhân. Tuy nhiên, với giá thành khoảng 3000 USD một chiếc xe lăn đạp chân, thì việc sở hữu hay tập luyện xe lăn đạp chân khó được phổ biến nếu không có sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế.


Hải Yến
Ý kiến của bạn