1. Khi nào người bệnh lao ruột nên tập thể dục?
Bệnh lao ruột là một thể bệnh lao ngoài phổi, do trực khuẩn lao gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa đặc hiệu. Các dấu hiệu bệnh lao ruột thường là biểu hiện bệnh lý đường tiêu hóa như:
- Buồn nôn, đau bụng toàn bộ hay khu trú (thường đau nhiều hơn ở hố chậu phải).
- Đường ruột tắc nghẽn do hẹp gây nên tình trạng đau quặn bụng.
- Tiêu chảy kéo dài, có thể kèm theo phân có máu (đôi khi xảy ra tình trạng táo bón hoặc xen lẫn tiêu chảy và táo bón).
Ngoài ra còn có các triệu chứng như sụt cân, đổ mồ hôi đêm, sốt, suy nhược... Trong giai đoạn cấp tính hoặc bệnh nặng, với các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, mất cân bằng điện giải, đau bụng hay tiêu chảy, thì người bệnh không nên tập thể dục, lúc này cơ thể cần được nghỉ ngơi hoàn toàn.
Khi các triệu chứng được kiểm soát, bản thân người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, có thể tập thể dục nhẹ nhàng, giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, tăng cường sức đề kháng và giảm stress. Các hoạt động như đi bộ nhẹ nhàng, tập yoga hoặc các bài tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe, có thể giúp hỗ trợ quá trình hồi phục. Trước khi bắt đầu tập luyện, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về hình thức tập luyện cũng như cường độ, tần suất tập phù hợp.
Tập thể dục đúng cách, phù hợp giúp người bệnh lao ruột:
- Cải thiện chức năng tiêu hóa: Các bài tập thể dục nhẹ nhàng, như đi bộ hoặc tập yoga, có thể hỗ trợ giảm táo bón và cải thiện các vấn đề tiêu hóa khác mà người bệnh lao ruột có thể gặp phải.
- Cải thiện sức khỏe hệ vi sinh vật: Tập thể dục làm tăng sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột, cải thiện sự phát triển của các loài vi khuẩn có lợi. Cải thiện sức khỏe của hệ vi sinh vật đường ruột giúp cơ thể bạn cân bằng nội môi, có lợi cho tiêu hóa, hệ miễn dịch, sự trao đổi chất và sức khỏe não bộ…
- Tăng cường hệ miễn dịch: Có tới 70% hệ thống miễn dịch nằm ở ruột, nếu sức khỏe đường ruột bị tổn hại, sẽ khiến bạn dễ mắc phải nhiều tình trạng tiêu hóa và các vấn đề sức khỏe nói chung. Tập thể dục tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm.
- Giảm căng thẳng: Tập thể dục làm tăng sản xuất endorphin cải thiện tâm trạng, đồng thời giảm tiết hormone gây căng thẳng như cortisol và adrenaline. Sức khỏe não bộ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tiêu hóa thông qua kết nối ruột - não. Mức độ căng thẳng thấp hơn có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây viêm đường ruột, giảm các triệu chứng của IBD, hội chứng ruột kích thích (IBS).
- Hỗ trợ hồi phục nhanh chóng: Vận động hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi, người bệnh cảm thấy khỏe mạnh và linh hoạt hơn. Điều này giúp giảm thiểu các triệu chứng mệt mỏi, suy nhược, tăng cường khả năng hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày.
2. Bài tập nào tốt cho sức khỏe đường ruột?
Khi sức khỏe hồi phục, người bệnh nên tập các bài tập thể dục cường độ thấp (thường làm tăng nhịp tim lên 50% công suất tối đa). Loại bài tập này ít gây vất vả hơn cho tim, phổi, khớp và hệ tiêu hóa. Ví dụ về các bài tập cường độ thấp bao gồm:
- Đi dạo
- Yoga
- Bơi lội
- Đạp xe…
Ngoài ra, các bài tập thở và thiền cũng giúp ích cho người bệnh sau lao ruột, nâng cao sức khỏe tổng thể.
- Kỹ thuật thở sâu (như thở cơ hoành hoặc thở bụng) giúp kích hoạt phản ứng thư giãn của cơ thể, có thể cải thiện tiêu hóa, giảm căng thẳng ở cơ bụng xung quanh ruột.
- Thiền nuôi dưỡng chánh niệm và sự bình tĩnh tinh thần, cho phép các cá nhân hiểu rõ hơn về các tín hiệu của cơ thể và hệ tiêu hóa.
Bằng cách kết hợp các bài tập thở và thiền thường xuyên vào thói quen tự chăm sóc sức khỏe hàng ngày, bạn có thể thấy căng thẳng được cải thiện và kiểm soát sức khỏe tâm thần, chức năng đường ruột được cải thiện, ít vấn đề về tiêu hóa hơn và kiểm soát các triệu chứng tốt hơn.
3. Lưu ý khi tập luyện
- Người bệnh sau khi bị lao ruột có thể còn cảm thấy mệt, do đó nên tập các bài cường độ thấp với thời gian ngắn, rồi từ từ tăng dần thời gian và tốc độ cho đạt tối thiểu 150 phút mỗi tuần, tương đương 30 phút mỗi ngày trong 5 ngày/tuần.
- Trong quá trình tập luyện, hãy lắng nghe cơ thể, nếu cảm thấy mệt, sức khỏe không ổn... nên ngừng tập.
- Đối với những người có vấn đề về tiêu hóa nói chung và lao ruột nói riêng, tập thể dục cường độ cao có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Bởi vậy, nên tránh các bài tập cường độ cao như nhảy dây, chạy nước rút, chống đẩy, burpees, leo núi, nâng tạ nặng…