Nhật Linh (Quỳnh Phụ, Thái Bình)
Trong cuộc sống lứa đôi, điều quan trọng là cả hai đều thiện chí, biết lắng nghe nhau và điều chỉnh mình để có một mái nhà êm ấm (NT.TĐK).
Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA
Quả là bây giờ, với sự phát triển như bão lốc của công nghệ thông tin, cả trái đất có thể nằm gọn trong lòng bàn tay. Chỉ bằng một cú nháy chuột, người ta đã có thể gặp được nhau rồi. Nhiều người tìm được nhau trong thế giới ảo rồi yêu nhau đắm đuối. Không ít mối tình rất bền chặt. Bền vững hay mong manh, không phải vì thế giới ảo hay khoảng cách tuổi tác. Anh Khoa cũng cách vợ hơn một giáp, nhưng gia đình rất êm ấm, hạnh phúc. Vợ chồng chưa hề nói nặng với nhau một lời nào. Điều quan trọng là cả hai đều thiện chí, biết lắng nghe nhau và điều chỉnh mình để có một mái nhà êm ấm.
Chúc mừng em đã tìm được “một nửa” của đời mình. Anh ấy đã về thăm nhà em và ngỏ ý xin cưới. Điều ấy chứng tỏ anh ấy yêu em rất thật lòng và nghiêm túc. Để hiểu anh ấy, em cũng phải vào thành phố Hồ Chí Minh, thăm bố mẹ và gia đình anh ấy. Không có gì phải ngại em ạ, nếu cả hai người đều thực sự yêu nhau. Rồi tiến tới hôn nhân, còn phải đăng ký kết hôn, có sự giám sát của chính quyền địa phương. Người có gia đình rồi, làm sao có thể đăng ký kết hôn được. Chúc em hạnh phúc và luôn gặp những điều tốt lành.
* Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa! Tôi là nhà thơ không chuyên, hay làm thơ tình tặng các cô gái xinh đẹp trong cơ quan, hay những Kiều nữ tôi gặp trong các bữa nhậu với bạn bè. Đại loại là: “Tương tư nhớ em suốt đêm thâu - Lâu đài thiên thai bến tình sầu”. Hay:“Yêu em khó tả thành lời - Chờ anh sẽ tới, em ơi… chờ, chờ”…Vợ tôi đọc được và lập tức biến thànhsư tử Hà Đông. Nhà thơ có gặp trường hợp nào như này chưa và anh xử lý thế nào?
Tú Dương (Nam Định)
Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA
Trước hết, tôi xin chúc mừng bác đã “tậu” được bà vợ có phép tàng hình. Bà ấy có thể biến ngay thành sư tử Hà Đông khi bác nhắc đến một người con gái nào đó. Như thế là bà ấy còn rất yêu bác đấy. Sợ nhất khi bác đi với cô nào mà bà ấy lại phởn phơ, sung sướng như tù nhân đã bị kết án chung thân, lại đột ngột được ân xá thì nguy to rồi. Còn để tắt tiếng gầm của sư tử thì chẳng khó đâu. Tôi có bí kíp thế này và thấy rất hiệu nghiệm. Tôi mua về nhà thật nhiều băng đĩa phim truyện Việt Nam, đặc biệt là những phim phát trên truyền hình. Khi sư tử lên tiếng gầm thì tôi bật băng xem phim. Lập tức bà ấy sẽ thấy sức lực của tôi là rất phi thường, ghê gớm. Đến cả phim truyện Việt Nam mà tôi còn chịu đựng được thì sư tử Hà Đông cũng chả là cái đinh gì.
* Anh Khoa ơi! Em là sinh viên Trường Đại học Thủy sản Nha Trang. Bố mẹ em và bè bạn em, cả các thầy cô của em đều rất hâm mộ anh. Bọn em rất thích những tập sách và chuyên mục của anh. Cứ có báo là em đọc chuyên mục của anh và chuyên mục về thầy Thích Nhất Hạnh của bác Hoàng Anh Sướng trước đã rồi sau đó mới đến các phần khác. Em đọc cả mục “Chuyện đời” của anh trên báo “Sức Khỏe&Đời sống”. Tại sao anh là nhà thơ mà lại không nói về thơ? Em cũng xin mạo muội hỏi anh, nhưng em lại chỉ muốn biết chuyện riêng của anh thôi. Anh là người nổi tiếng, cách đây hơn chục năm, nhờ báo chí, em biết anh lập gia đình. Nhưng báo không thông tin gì về chị. Chị vợ anh làm nghề gì? Chị ấy có yêu văn chương không? Anh có thể thông tin vài điều về chị? Và nếu có gì thất thố, xin anh bỏ qua cho em nhé...
Nguyễn Thị Kiều Oanh(nuyen@hotmail.com)
Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA
Cảm ơn em, cảm ơn các thầy cô giáo và các bạn sinh viên Trường đại học Thủy sản Nha Trang và bố mẹ em đã quan tâm đến lão già Trần Đăng Khoa và những cuốn sách lẩn thẩn của lão. Chuyên mục của lão Khoa chỉ mang tính giải trí, vui là chính. Vì thế, lão không bàn chuyện văn chương, mà chỉ có chuyện gia đình, chuyện giữ gìn hạnh phúc, chuyện làm ăn. Rồi những chuyện quan trọng, cấp thiết khác trong đời sống. Phải làm sao để có được một gia đình đầm ấm, thoát khỏi nghèo đói, bần hàn. Đã nghèo mà chỉ bô lô ba la chuyện văn chương thơ phú thì chỉ đói dài đói rạc thôi em ạ. Nước mình nghèo cũng là vì chúng ta có quá ít những nhà khoa học, những người làm kinh tế, mà chỉ lắm nhà thơ. Bây giờ đi đâu cũng gặp nhà thơ, gặp toàn anh buôn giăng bán gió. Thế thì lận đận là phải.
“Bà lão” nhà anh năm nay cũng đã ngoài tuổi 40 rồi. “Bà” kém lão Khoa hơn một con giáp, nhưng nếu đem mặt mũi ra mà “đọ” thì có cảm giác như lão cách “bà” đến hơn...một thế kỷ. Bởi thế, ai khen lão trẻ, dù vừa khen vừa nói toẹt ra là tớ đang nói dối đấy thì lão cũng sung sướng lắm. Bởi thế, lão có một thú vui, là luôn tạo ra niềm vui, mà rất rẻ, chẳng tốn kém gì, là cứ tăng vót tuổi lên. Nếu nói thật tuổi, các em lại an ủi:”Khổ, anh lao động trí óc từ bé nên trông anh già quá, mà già cũng lại không đều”. Thế có phải là buồn rầu sầu thảm không? Nếu lão tăng vót tuổi lên, các cô lại trầm trồ: “Ôi bố trẻ quá. Bố có đi mỹ viện không mà bố kháu lão thế?”. Thế là lão sướng. Sướng âm ỉ đến tận mấy ngày đấy.
Có chuyện này, lão cũng đã kể ở đâu đó rồi. Ấy là một hôm, lão Khoa đưa vợ đi chơi, cũng do mắt cập kèm, lão húc vào khu đường cấm. Anh công an tuýt còi: “Bố già muốn thăng thiên hả?”. Thấy lão nở nụ cười xu nịnh, giọng anh công an chùng xuống: “Thế năm nay bố bao nhiêu “nhát” rồi?”. “Bảy mươi nhăm!” lão Khoa lại tăng vót tuổi lên. Lão hy vọng chàng công an sẽ kêu rú lên “Ôi, sao bố trẻ thế” để có cơ hội hãnh diện với mụ vợ. Ai dè chàng trai thật thà quá: “ Ờ, bảy nhăm nhát thì bố chết được rồi. Nhưng bố cần phải biết thương con gái bố chứ! Cô ấy như thế mà chết thì uổng quá!”. Chưa bao giờ lão Khoa bị đòn âm, đau đớn đến như thế.
Vợ lão Khoa làm ở Phòng Hành chính Ngân hàng Nông nghiệp, chi nhánh Long Biên, người rất ngại ngao du với cánh nhà văn nhà báo. Cứ như “bà lão” quan niệm thì đó là những lão hay lăng nhăng trai gái, rất không đáng tin cậy. Vậy mà “bà” lại vập vào lão Khoa. “Bà” chẳng bao giờ nghĩ lão là nhà văn hay nhà báo gì. “Bà” chỉ thấy lão đần. Mắt lão lờ đờ như mắt cá chết. Lại nghe đồn có dạo lão ái nam ái nữ, nên mãi chả lấy được vợ. Thế thì đích thị lão là kẻ tu hành rồi. “Bà” tin lão, vì thấy lão có dáng dấp của một kẻ tu hành không đắc đạo. Nhờ thế mà lão có một gia đình rất êm đềm. Êm đềm đến tẻ nhạt vì chẳng xô xát, cãi cọ bao giờ!