Loài cây này thường có chiều cao chỉ khoảng 0,5-0,8 m, có đốm hồng trên thân và cành. Lá cốt khí củ mọc so le, bẹ lá ngắn, phiến lá hình trứng, dài từ 3 - 5 cm, rộng khoảng 2 - 3 cm. Đầu lá hơi tròn, mép lá nguyên bản và có màu xanh nâu xen lẫn vệt hồng.
Cốt khí củ có hoa màu trắng hoặc hồng nhạt, mọc thành chùm ở kẽ lá, quả có ba cạnh màu nâu, củ do rễ phình to phát triền thành, có vỏ đen, bên trong màu vàng.
Cốt khí củ vị đắng the, tính bình, có tác dụng trị bệnh phong thấp xương khớp, gân cơ đau mỏi, huyết ứ sưng tấy, chữa viêm. Trong y học dân gian, cốt khí củ là vị thuốc quan trọng, điều trị nhiều chứng bệnh nguy hiểm như: Phong thấp viêm khớp; viêm gan cấp tính; đau thần kinh tọa, đau vai gáy…
Để chữa phong thấp viêm khớp, dùng 20g cốt khí củ, 28g đơn gối hạc; 16g dây bìm bìm, 14g mộc thông. Cho tất cả các vị thuốc trên vào ấm hoặc siêu đất nung, sắc lấy nước uống. Mỗi ngày uống ba lần, mỗi lần uống 50ml, uống liên tục trong 10 - 15 ngày sẽ có hiệu quả.
Đối với chứng bệnh viêm gan cấp tính, cần 20 g cốt khí củ, 18 g huyết đằng, 16 g cốt toái bổ, 14 g dây bìm bìm; 10 g đơn gối hạc, 10g mộc thông. Vẫn với phương pháp sắc lấy nước uống bằng ấm hoặc siêu đất, mỗi ngày uống ba lần, mỗi lần uống 60 ml nước thuốc đặc, dùng liên tục trong 15 - 20 ngày sẽ công hiệu.
Ngoài ra, cốt khí củ còn là vị thuốc quan trọng điều trị nhiều chứng bệnh như đau nhức đầu gối, đau thần kinh tọa, đau vai gáy, chữa sưng đau do chấn thương, chữa viêm khớp…
Lương y Vũ Quốc Trung, Phòng khám Đông y chùa Cảm Ứng, Hà Nội.