Bi kịch sau giấc mộng vàng

15-02-2015 08:00 | Thời sự

SKĐS - Người chết, kẻ nghiện, những đứa trẻ lâm vào cảnh mồ côi, những người cha, người mẹ mắt mờ tóc bạc khóc con…

Người chết, kẻ nghiện, những đứa trẻ lâm vào cảnh mồ côi, những người cha, người mẹ mắt mờ tóc bạc khóc con… Hình ảnh này có thể tìm thấy ở rất nhiều vùng quê có trào lưu đào vàng. Song, khi đến những nơi điển hình như Cù Vân (Ðại Từ, Thái Nguyên) hay Noong Hẻo (Sìn Hồ, Lai Châu), lòng tôi cứ thắt lại.

“Lá vàng còn ở trên cây”

Không xót xa sao được khi đến gặp bà Nguyễn Thị Kính ở xóm 1, xã Cù Vân, chỉ thấy tuổi già hiu hắt hằn lên khuôn mặt phạc phờ của người phụ nữ tuổi hơn 70 đã chịu nhiều khổ cực. Thế nhưng, bà vẫn cố gắng che chở cho mấy đứa cháu khi chúng lâm cảnh mồ côi. Hỏi chuyện, bà Kính phải bảo các cháu sang hàng xóm chơi, để bà được khóc, kẻo các cháu nhìn thấy. Và bà đã khóc nức nở. Nguôi khóc, bà nói: Sinh hai con rồi vất vả nuôi chúng, lớn lên, dựng vợ gả chồng chỉ mong dựa dẫm lúc tuổi già. “Nào ngờ, giờ già cả vẫn phải nặng gánh nuôi hai đứa cháu, một đứa bố chết vì AIDS, mẹ bỏ đi; một đứa mẹ chết vì bệnh, bố đang ở tù và dính AIDS. Còn ai khổ hơn tôi nữa không?”.

Rất nhiều bà con lật ruộng tìm vàng.

Cạnh nhà bà Kính, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thông cũng chịu nỗi đau lần lượt 4 con đều mất vì bệnh. Hay vợ chồng ông Trần Văn Sinh (xóm 12) cũng đang phải nuôi mấy đứa cháu do “bố mẹ chúng để lại”… Xòe tay che mặt, nhưng đôi mắt dường như không còn để chắt ra, ông Sinh thổ lộ: “Nuôi con đã khổ, lại phải tận mắt nhìn chúng nó chết dần chết mòn thì còn nỗi đau nào lớn hơn. Lá vàng còn ở trên cây, mà lá xanh đã rụng… Vợ chồng tôi thành cha mẹ của các cháu rồi”.

Thống kê của Công an xã Cù Vân chỉ ra, địa phương còn 48 người nghiện ma túy, 54 người nhiễm HIV. Không ít người chưa khai báo, làm xét nghiệm hoặc có đi làm xét nghiệm nhưng do mặc cảm, không dám nói mình là người của xã Cù Vân. Ngoài ra, hơn 70 em nhỏ chịu cảnh mồ côi, 9 em mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Cũng vì vàng mà không chỉ con suối Nậm Há và những cánh rừng đẹp như mơ ở Noong Hẻo bị cày xới, biết bao tổ ấm cũng bị tàn phá. Ông Lò Văn Hoan - Xã đội trưởng xã Noong Hẻo cho biết, từ hơn chục năm trước, khi một số bãi vàng của tỉnh bị cạn, người ta đã đổ về Noong Hẻo lật tung bãi vàng Phiêng Chạng. Hàng trăm trai gái rủ nhau đi tìm cách đổi đời. Nhiều trẻ em bỏ học được “huy động” tham gia công việc vốn được cho là rất nhanh giàu này. Cũng từ đó sinh ra thất học, nghiện hút, tiêm chích, trộm cắp… Hàng chục người lớn, trẻ em bị tử thần cướp đi. Điển hình như vợ chồng anh Bời Văn Nọi và Lò Thị Dươi (bản Nậm Om) vốn là những người nông dân chịu khó, đã bỏ ruộng nương đến Phiêng Chạng làm thuê. Mấy năm sau, họ trở về thì chỉ còn da bọc xương, rồi Nọi chết, 20 ngày sau “rủ” vợ cùng đi. Người ta nói họ nhiễm “ết”.

Những quả đắng

Tưởng chết là hết, nhưng người chết vẫn tiếp tục “làm khổ” người sống. Ví như để lo đám tang cho Nọi và Dươi, ông Lò Văn Pen không kiếm đâu ra tiền, đã phải nhắm mắt bán thằng con trai của Dươi, lúc đó mới 8 tháng tuổi cho một người dân tộc Dao. Hay ông Lò Văn Yêng (bản Nậm Há) sinh được 6 con (4n trai, 2 gái) thì từ năm 2005, bệnh tật đã cướp của ông 3 con trai, 1 con gái. Hiện một con trai của ông mắc nghiện, chẳng biết “đi” khi nào. Vì nghèo, chẳng có tiền mua gỗ làm áo quan, ông Yêng đã phải dỡ vách nhà lấy gỗ đóng quan tài “cho chúng nó khỏi xấu hổ”. Ngày Lò Văn Khai chết, ông Yêng đã định bán đứa con của Khai là Lò Văn Tắc để làm đám ma, nhưng may thay có người ngăn kịp, cho vay tiền nên đứa trẻ không bị bán đi.

Hậu quả của nạn khai thác vàng ở xã Cù Vân chẳng thể nào đong đếm và không chỉ dừng ở một thế hệ.

Theo ông Lù Văn Cưới - cán bộ xã Noong Hẻo, chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, đã có 50 người chết vì HIV/AIDS. Rất nhiều người mắc nghiện, nhiễm bệnh, nhiều đứa trẻ vô tội đã “đi theo ước mơ của người lớn”.

Cứ như những gì đã và đang diễn ra, có thể nói vàng đã và đang “hành” người. Để chứng minh điều đó, tôi tìm gặp những người là dân “anh chị” một thời, là những bưởng vàng (chủ cai) có tiếng, từng tung hoành những bãi vàng lớn nhỏ, rồi cũng trắng tay hoặc chuốc lấy tai họa, hoặc cay đắng chịu cảnh tù đày rồi mới ngộ ra: Những năm tháng vất vả tìm vàng thật vô nghĩa. Người đầu tiên tôi gặp là phạm nhân Vũ Thị Huệ hiện đang cải tạo tại Trại giam Thanh Phong (Thanh Hóa), giờ đang vô cùng ân hận vì đã mang các con từ vùng quê Thủ Sỹ (TP. Hưng Yên) lên Na Rì (Bắc Kạn) làm ăn. Chẳng bao lâu, thị bị cuốn vào vòng xoáy của nạn khai thác vàng. Từ một người buôn bán, cung cấp thực phẩm cho dân đào vàng, Huệ nhờ mối quan hệ và vươn lên thành bưởng (chủ cai một bãi khai thác).

Khi có trong tay hàng chục công nhân, Huệ kéo luôn các con trai… nhập cuộc. Có thêm sức mạnh, Huệ trở nên có tiếng; tiền, vàng kiếm được nhiều vô kể. Thị lại mang tiền về quê nhà tậu đất, xây nhà hào phóng cho bè bạn, người thân. Song sự giàu có chớp nhoáng ấy lại bị tước mất. Cuối cùng, Huệ và các con vẫn trắng tay. Vì sao vậy? Hỏi, Huệ cho biết: “Chồng mất, để lại mấy đứa con trai, tôi một mình không đủ sức cáng đáng cán bộ ạ. Vì công ăn việc làm không có, tôi sa vào các bãi vàng. Có cả đống tiền đấy nhưng lại rơi vào vòng xoáy ma túy, tệ nạn. Các con tôi cũng vậy. Giờ thì năm mẹ con ở tù…”.

Những giọt nước mắt lăn dài trên má, nhiều người không nghĩ Huệ từng một thời “thét ra lửa”. Chịu mức án chung thân, 4 con đều chịu án nặng. Giờ Huệ chỉ ước các con cải tạo tốt, chờ được hưởng khoan hồng của Nhà nước, làm lại cuộc đời.

Cũng sau nhiều năm dấn thân vào các bãi vàng, sa vào cạm bẫy của các tệ nạn xã hội như mẹ con Huệ, Trần Anh Hưu thành kẻ trắng tay. Qua tìm hiểu, năm 1986, Hưu từ vùng quê Nam Định, khăn gói ngược lên Yên Bái tìm vàng với quyết tâm: phải giàu. Là “ông anh” chỉ huy vài chục đàn em, tổ chức đánh lộn giành lãnh địa. Có thời gian đội của Hưu kiếm được cả ba lô vàng, nhưng tất cả đều bị nướng vào các cuộc ăn chơi, nhậu nhẹt, chích hút ma túy và dính nghiện. Rồi Hưu bị bắt, được tha tù và cuối cùng vẫn phải tìm một công việc khác để làm ăn. Hiện nay, Hưu đã “hồi sinh”, lập nghiệp tại thị trấn Mậu A (huyện Văn Bàn, Yên Bái).

​Bà Kính không biết vài năm nữa, liệu mình còn đủ sức chăm hai đứa cháu tội nghiệp.

Mới giải quyết phần ngọn

Trước vấn đề đang nhức nhối tại xã Cù Vân (Đại Từ, Thái Nguyên), phóng viên đến phỏng vấn đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên, chưa rõ con số người nghiện, người chết cũng như trẻ mồ côi tại địa phương này. Bà Đỗ Thị Huế - Trưởng phòng Việc làm, an toàn lao động nói sẽ xác minh và cung cấp thông tin sau. Còn ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Thái Nguyên cho biết: “Bốn tháng đầu năm 2014, do một số địa phương còn tồn tại lác đác đối tượng khai thác trái phép, do tranh thủ lúc nông nhàn. Chúng tôi đã đẩy đuổi 259 lượt người ra khỏi khu vực, tháo dỡ 37 lán trại. Các đối tượng đã tự động tiêu hủy 19 máy nổ, 6 máy khoan, 4 xe rùa, 4 máy tời… Chúng tôi đã thành lập các chốt kiểm tra liên ngành, đến nay, tình hình cơ bản đã được kiểm soát. Hiện có hơn 100 giấy phép được cấp cho các doanh nghiệp khai thác vàng, vàng sa khoáng trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi đề xuất, nơi nào được cấp phép thì phải nhận người dân địa phương vào làm việc để giải quyết công ăn việc làm cho họ”.

Người dân ở những vùng nhiều người “di cư” đi tìm vàng đã ngộ ra rồi. Những “anh chị” một thời cũng ngộ ra. Điều đó cũng cần những người dân muốn đổi đời từ vàng phải nghĩ lại. Phạm nhân Vũ Thị Huệ thổ lộ: “Có trăm cách mưu sinh cán bộ ạ, nhưng làm gì để không phạm pháp, để tránh khỏi những cám dỗ. Tôi thấm thía lắm. Tôi mong mọi người đều phải nghĩ khác, không để vàng sai khiến”.

Phía sau giấc mộng vàng là biết bao hậu quả, bi kịch. Là những nỗi đau chẳng thể nào đong đếm và không chỉ dừng ở một mà nhiều thế hệ. Người dân nơi có mỏ vàng và nhiều người hành nghề đào vàng cần được dạy nghề, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống, song đây lại là bài toán không dễ tìm lời giải.

Bài, ảnh: Hải Miên

 

 


Ý kiến của bạn