Bi kịch nghề y

30-04-2014 03:48 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sai sót chuyên môn y khoa là một trong những vấn đề luôn được đặt ra trong tất cả các tài liệu chuyên môn y khoa.

Sai sót chuyên môn y khoa là một trong những vấn đề luôn được đặt ra trong tất cả các tài liệu chuyên môn y khoa. Rất nhiều quy trình được đặt ra với mục đích hạn chế tối đa các sai sót. Tuy nhiên, sai sót vẫn cứ xảy ra. Một số sai sót dẫn ngay đến các biến chứng y khoa, một số sai sót dẫn đến biến chứng ở giai đoạn muộn, một số khác không dẫn đến biến chứng nào cả. Nhưng dù có dẫn đến biến chứng hay không, các sai sót chuyên môn y khoa luôn ám ảnh các thầy thuốc có khi đến tận cuối đời.

Tôi được một giáo sư của một đại học danh tiếng ở Mỹ kể về trường hợp của người tiền nhiệm, một người rất nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Ông mổ cho một bệnh nhân, ông đi nhầm tầng và phát hiện ngay trong khi mổ nên kịp thời điều chỉnh. Sai sót này không gây ra bất cứ hậu quả nào về mặt y khoa, nhưng lại gây ra một hậu quả vô cùng lớn cho người thầy thuốc đó. Ông quyết định kể cho bệnh nhân nghe. Và các luật sư vào cuộc, ông phải bồi thường 7 triệu đô-la. Người nữ bệnh nhân của ông lấy số tiền trên mua cổ phần ở một bệnh viện và mời ông về làm với một số ưu đãi. Một câu chuyện rất Mỹ. Trước đây, khi nền y học chưa phát triển, người ta nhận thấy nhiều bệnh nhân mổ thoát vị đĩa đệm xong vài năm thì bị trượt đốt sống và đặt tên cho bệnh này là trượt đốt sống iatrogenia mà không tìm ra nguyên nhân chính xác. Sau đó, người ta nhận thấy việc cắt xương và một phần khớp khi mổ dẫn tới hiện tượng này. Mặc dù đã biết nguyên nhân nhưng nếu không cắt đủ rất có thể sẽ xâm phạm đến thần kinh gây ra các biến chứng nặng nề ngay sau mổ. Thế là biến chứng vẫn xảy ra. Đây là một biến chứng do sai sót y khoa mang lại nhưng vào lúc đó người ta chưa biết cách khắc phục nó. Khi mới có vi phẫu, do việc nhìn rõ hơn, tỉ lệ trượt đốt sống iatrogenia có giảm nhưng không nhiều. Hơn chục năm sau người ta mới tìm ra cách khắc phục, đó là dùng khoan mài cao tốc để cắt phần xương cần thiết. Từ khi sử dụng khoan mài cao tốc cắt xương trong phẫu thuật cột sống, tỉ lệ trượt đốt sống và vẹo cột sống iatrogenia giảm hẳn, không chỉ đối với mổ thoát vị đĩa đệm mà còn cả trong mổ u và các loại mổ cột sống khác. Mặc dù đây là một sai sót y khoa nhưng nó hoàn toàn không phải lỗi của người thầy thuốc, mà chỉ do những hạn chế của khoa học, của y học và phải mất nhiều thập kỉ người ta mới tìm được cách khắc phục nó. Trong thời gian chưa tìm được cách khắc phục, người ta vẫn phải tạm thời chấp nhận một tỉ lệ “cho phép” các sai sót y khoa cũng như biến chứng mà nó mang lại. Có một bệnh lý cột sống mà nhiều bác sĩ có kinh nghiệm rất sợ gặp, đó là bệnh cốt hóa dây chằng vàng cột sống ngực. Hiện nay, tôi đang có khoảng gần chục người bệnh loại này theo đuổi điều trị lâu dài. Trong số họ có những nhà báo tên tuổi, những diễn viên điện ảnh nổi tiếng một thời, có người đã từng là cán bộ cao cấp, người khác lại là sĩ quan cao cấp của chế độ cũ... tất cả họ đều có chung một điểm: họ bị biến chứng sau mổ bệnh lý cốt hóa dây chằng vàng cột sống ngực. Người mổ cho họ là những bác sĩ thuộc hàng “thượng thừa” của Việt Nam, bác sĩ nước ngoài nổi tiếng tại Việt Nam, bác sĩ Singapore nổi tiếng tại Singapore, bác sĩ Mỹ thuộc hàng “top” tại Mỹ và bác sĩ Pháp đầu ngành của Pháp. Thế nhưng sai sót vẫn xảy ra, biến chứng vẫn cứ xuất hiện. Mỗi một lần tôi mổ loại bệnh này, đến đoạn quyết định, cả kíp mổ gần như nín thở, sự căng thẳng hiện lên trên từng gương mặt. Đây là một loại sai sót chuyên môn y khoa mà dù biết nguyên nhân cũng không dễ gì tránh được. Điều này phụ thuộc vào kỹ năng của người thầy thuốc, nhưng không lẽ những bác sĩ thuộc loại hàng đầu ở các nước tiên tiến, gần như đồng nghĩa với hàng đầu thế giới mà lại không có kỹ năng tốt hay sao? Không phải. Mặc dù có kỹ năng tốt, nhưng người thầy thuốc còn phải có khả năng tập trung cao độ, phải có cái đầu đủ lạnh để không nghĩ đến biến chứng, không nghĩ đến cái gì khác ngoài công việc trước mắt. Mà điều này thì không thể hằng định được. Thầy thuốc dù giỏi đến đâu, dù ở vị trí cao đến đâu thì cũng chỉ là con người. Mà con người thì luôn có trái tim, luôn có những cảm xúc, luôn phải chịu áp lực của ngoại cảnh... Và thế là xảy ra sai sót. Biết đấy mà vẫn không thể tránh được. Bi kịch của thầy thuốc là ở đó. Tôi đã mổ nhiều trường hợp cốt hóa dây chằng vàng cột sống ngực thành công, nhưng tôi luôn tâm niệm rằng mình đang may mắn và chưa biết khi nào thì sai sót sẽ xảy ra. Mặc dù từ sai sót bao hàm ý nghĩa lỗi chủ quan của người gây ra sai sót, nhưng thật sự thì trong trường hợp kể trên, người thầy thuốc không thể nào chủ động để tránh nó được. Nếu muốn tránh tuyệt đối những sai sót nêu trên, các thầy thuốc chỉ có thể làm một việc: từ chối điều trị. Lúc này thì một bi kịch khác lại xảy ra: người bệnh bị bỏ rơi hoặc bị “đá” từ bác sĩ này sang bác sĩ khác. Làm sao

bây giờ? Điều trị thì nguy cơ xảy ra biến chứng quá cao, khả năng trở thành kẻ xấu, trở thành bác sĩ vô lương tâm quá lớn, vừa mất tên tuổi, vừa mất tiền, vừa mất thời gian. Chi bằng từ chối điều trị là an toàn nhất. Nói đến chuyện từ chối điều trị để an toàn lại nhớ đến câu chuyện mà tôi vừa trải qua. Có những trường hợp mà khả năng của y học chỉ có thể mang lại một tỉ lệ thành công rất thấp, tỉ lệ biến chứng khá cao. Nhưng nếu y học không can thiệp, bệnh chắc chắn sẽ nặng dần dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Tôi đã có một trường hợp như vậy. Cuộc mổ không có sai sót, không có biến chứng, ở một chừng mực nào đó có thể nói là thành công, chỉ có điều không thể thành công trọn vẹn vì sau vài năm bệnh lại diễn tiến nặng trở lại.

Khi người bệnh kiện tụng, truyền thong tham gia một cách thiếu công bằng, không ai trong số những người có trách nhiệm và không có trách nhiệm thụ lí vụ án tin đó là một ca mổ không có sai sót chuyên môn y khoa. Sau khi không phát hiện bất cứ sai sót chuyên môn y khoa nào, họ lục tìm từng chi tiết, từng chữ ký để xem có sai sót hành chính nào không. Loại trừ yếu tố tiêu cực do tiền bạc mang lại, tôi cảm thấy như tất cả các nhà báo, thẩm phán, đại diện Viện Kiểm sát..., cho rằng chắc chắn là có sai sót chuyên môn y khoa, chỉ có điều họ không phải người trong ngành nên không tìm ra, cho nên họ cố gắng lục tìm các sai sót hành chính để bắt tôi phải “đền tội”. Câu chuyện còn dẫn đến một tình huống bi kịch hơn, đó là chính thẩm phán đã vi phạm luật để tạo ra kết luận tôi có lỗi.

Nói lại chuyện này tôi không có ý thanh minh, cũng chẳng có ý công kích, tôi chỉ muốn nói đến một vấn đề khác: thành kiến của xã hội đối với nhân viên y tế khi xảy ra biến chứng y khoa hoặc sai sót chuyên môn y khoa (hoặc cái gì na ná như thế). Những người thi hành công lý, những người trong bộ máy truyền thông trong câu chuyện của tôi lẽ ra phải thật công minh, thật khách quan, thế mà họ còn xử sự như vậy thì đối với những người dân khác, đặc biệt là những người ít hiểu biết hơn, có người nhà bị biến chứng do hoặc không do sai sót chuyên môn gây ra, sẽ còn thành kiến như thế nào nữa. Điều này giải thích cho những manh động xảy ra gần đây như đập phá bệnh viện, đánh đập, truy sát nhân viên y tế.

Ngoài việc cố gắng tìm mọi cách để giảm thiểu sai sót chuyên môn y khoa, các thầy thuốc cần phải lên tiếng nhiều hơn, đặc biệt là lên tiếng về chính những ca sai sót, biến chứng. Giới truyền thông cũng cần phải gạt bỏ định kiến, sát cánh với thầy thuốc giúp định hướng lại thành kiến của xã hội, để các thầy thuốc không phải chịu quá nhiều áp lực, dẫn đến những sai sót chuyên môn y khoa lẽ ra có thể tránh được hoặc dẫn đến sự vi phạm y đức bằng cách từ chối chữa bệnh để an toàn cho bản thân.

Bài viết, ý kiến đóng góp cho diễn đàn “Tai biến y khoa” xin gửi về banthukysk@gmail.com, bandientuskds@gmail.com. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực và khoa học. Các bài viết đăng trên diễn đàn này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

SK&ĐS

BS. VÕ XUÂN SƠN

 

 


Ý kiến của bạn