Bi kịch hôn nhân của nhà văn Nga đầu tiên đoạt giải Nobel

04-05-2021 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Một ngày đẹp trời, Ivan Bunin (1870-1953) đưa thiếu nữ Galina Kuzniecova xinh đẹp về nhà, nơi ông đang sống cùng vợ Viera Bunin.

Ivan nói với Viera: Galina sẽ ở đây cùng vợ chồng mình. Cô ấy là thư ký riêng của anh.

Dẫu linh cảm tương lai sinh hoạt tay ba bất ổn, song vì bản thân quanh năm chỉ làm công việc nội trợ, kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào chồng, lại chưa có con, phu nhân nhà văn giàu có đành miễn cưỡng chấp nhận. Mặt khác, bản chất khoan dung, yêu thương đồng loại của người phụ nữ Nga trỗi dậy trong Viera, xui khiến chị tặc lưỡi, cảm thông: Galina không còn trẻ (tuổi đã ngoài 30), không tiền, không nhà cửa. Sự thật, thoạt đầu người vợ trước thực tế chồng trắng trợn phản bội òa khóc, nhưng sau đó chị buông xuôi, âm thầm nuốt nước mắt…

Người thân, bạn bè nhà văn tác giả Nobel Văn học tương lai đều ngạc nhiên, tuy không bày tỏ thái độ với người trong cuộc, tất cả đều lặng lẽ tự đặt những câu hỏi không dễ trả lời.

Cuộc sống thú vị của nhà văn nổi tiếng với 2 người vợ bề ngoài yên ả bỗng chốc nổi sóng bởi chính con người viên mãn. Hưng phấn với thực tế ngày đêm chìm trong ngập tràn nỗ lực nuông chiều của 2 người đẹp, một ngày nọ ông mời Zurov, một họa sĩ trẻ thất nghiệp đam mê thi ca đến tư gia.

Tài vẽ tranh phong cảnh lãng mạn quyến rũ, đượm buồn của chàng trai trẻ chớp nhoáng chinh phục thú thưởng ngoạn hội họa của phu nhân chủ nhà. Từ yêu tranh, Viera gắng sức trổ tài nấu nướng, để bày tỏ cảm tình nồng thắm dành cho Zurov tài hoa to cao, lực lưỡng hơn hẳn phu quân Bunin nhỏ thó, yếu đuối.

Cùng thời gian họa sĩ trẻ ngày càng cảm thấy hứng thú với cuộc sống tại tư dinh nhà Bunin. Thức ăn phong phú, tuyệt ngon, bà chủ chu đáo, tận tình. Vậy nên khách vô gia cư quyết định ở lại lâu dài.

Từ trái sang: nhà văn Ivan Bunin, Galina Kuzniecova, Viera vợ Bunin và họa sĩ Leonid Zurov.

Từ trái sang: nhà văn Ivan Bunin, Galina Kuzniecova, Viera vợ Bunin và họa sĩ Leonid Zurov.

Khi tình yêu phát khùng

Đắm đuối yêu Viera, họa sĩ trẻ phát điên trước thực tế Bunin cùng lúc sở hữu cả Viera và Galina. Cơn ghen tuông bùng phát thúc giục anh ta vô cớ đấm đá chủ nhà. Thậm chí có lần ngang tàng vớ cả dao cạo râu rượt đuổi Bunin, nhếch miệng cười giễu cợt trước bất cứ phát ngôn nào của văn hào. Đồng thời khách vãng lai lỗ mãng được lòng Viera còn vặt trụi những bông hồng mà Bunin cần mẫn gieo trồng, chăm sóc trong vườn, mỗi khi không ưng ý bất kỳ hành vi nào của chủ nhà.

Cuộc sống tay tư khốn nạn như thế diễn ra nhiều tháng dưới một mái nhà. Quá mệt mỏi, đến một ngày Bunin than thở với vợ: “Viera yêu quý, em biết không, bất chấp tất cả, cuộc sống 2 người vẫn dễ chịu hơn. Em có đồng ý, anh đuổi Zurov và Galina, để chỉ còn anh và em?”.

Nghệ sĩ cầm bút với 2 truyện vừa Nông thôn (1909-1910) và Xukhodon (1911) được thăng hạng những nhà văn hàng đầu nước Nga thời ấy ngỡ ngàng không tin vào tai mình, khi nghe câu trả lời đanh thép của vợ: “Đã quá muộn rồi, thưa ngài Bunin. Ngài không được phép đẩy 2 người vô tội không nhà cửa ra ngoài đường. Vả lại chính ngài là người đã biến họ trở thành thành viên của gia đình chúng ta”.

Địa ngục mang lại Nobel

Cuộc sống nhà văn lớn vắng nụ cười từ ngày vợ Viera phải lòng mày râu lực lưỡng Zurov. Song tất cả mới là khởi đầu chuỗi năm dài đau khổ. Tư gia chính thức rơi xuống địa ngục đích thực, khi người tình Galina xinh đẹp đầy ma lực cám dỗ phản bội Bunin, gắn với người đàn ông khác, trốn khỏi ngôi nhà dị thường, trong khi tay họa sĩ cơ bắp cường tráng và thô thiển dứt khoát bám trụ. Zurov tột độ điên khùng yêu say đắm Viera và quyết không rời bỏ nàng! Và họ bắt đầu cuộc sống tay ba.

Sau năm 1917, tương tự một số đồng nghiệp và nghệ sĩ lớn như A.N. Tonxtoi, A.I. Kruprin, I.X. Smeleep và X.A. Rachmaninov di tản ra nước ngoài, Bunin mang theo Viera và Zurov sang Pháp tìm nơi ở mới.

Tại Paris, trên 30 năm sống trong địa ngục hôn nhân tay ba, Bunin tiếp tục sự nghiệp văn học bằng khá nhiều tác phẩm đỉnh cao. Đó là các truyện vừa đặc sắc như Mối tình của Mitin (1924), Say nắng (1925)... cùng chuỗi truyện ngắn trong tập Những lối đi giữa hàng cây tăm tối (1938-1945). Và đặc biệt là tiểu thuyết Cuộc đời Akxenhiep (1933).

Quyết định trao Nobel Văn học 1933 cho Ivan Bunin, Ban Giám khảo giải thuyết trình: Ivan Bunin có tài năng đích thực về nghệ thuật, tài năng đã giúp ông tái hiện tính cách Nga điển hình trong văn xuôi của nền văn học Nga.


Ngọc Báu
Ý kiến của bạn