Cũng giống như việc khám mắt định kỳ, thực hành vệ sinh mắt hoặc bảo trì kính theo đơn, chế độ ăn uống cũng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của mắt. Cung cấp năng lượng cho cơ thể bằng các chất dinh dưỡng phù hợp có thể giúp ích cho thị lực và ngăn ngừa các bệnh về mắt trong đó có khô mắt.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn uống cho người bị khô mắt
Khô mắt là tình trạng ảnh hưởng đến khả năng bôi trơn của mắt, xảy ra khi mắt không thể tạo đủ nước mắt, nước mắt tiết ra quá ít hoặc hoặc chất lượng nước mắt kém hay nước mắt bay hơi quá nhanh để giữ cho mắt đủ nước. Điều này dẫn đến kích ứng, tổn thương và nhiễm trùng mắt. Nó gây ra một số triệu chứng về mắt bao gồm nóng rát, đỏ, ngứa, mờ mắt.
Một chế độ ăn giàu acid béo omega-3, thực phẩm nguyên chất và chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm các triệu chứng khô mắt. Hiểu được những loại thực phẩm nào nên ăn nhiều hơn, những loại nào nên hạn chế giúp cải thiện chứng khô mắt.
Nhiều người bị khô mắt ở một thời điểm nào đó nhưng nó phổ biến nhất ảnh hưởng đến phụ nữ và người lớn trên 50 tuổi. Các yếu tố khác cũng có ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh khô mắt, bao gồm chế độ ăn ít vitamin và chất dinh dưỡng nhất định.
Có nhiều nghiên cứu đã thiết lập mối liên hệ giữa hội chứng khô mắt và chế độ ăn uống. Một số chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin, khoáng chất, giúp duy trì sức khỏe tổng thể của mắt, giảm bớt các triệu chứng khô mắt. Tuy nhiên, người bị khô mắt không nên tự thay thế việc điều trị y tế bằng các chất bổ sung hoặc thay đổi chế độ ăn uống mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
2. Các dưỡng chất thiết yếu cho người bị khô mắt
Acid béo omega-3
Acid béo omega-3 mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng, bao gồm giảm các triệu chứng khô mắt mạn tính.
Theo một phân tích tổng hợp năm 2019, bổ sung omega-3 có thể giúp giảm các triệu chứng khô mắt. Mặc dù nghiên cứu tập trung vào các chất bổ sung nhưng việc ăn một chế độ ăn giàu acid béo omega-3 cũng hữu ích. Tuy nhiên, không phải tất cả các acid béo omega-3 đều có lợi. Nghiên cứu cho thấy rằng chỉ acid eicosapentaenoic (EPA) và acid docosahexaenoic (DHA) mới có thể làm giảm các triệu chứng khô mắt khi mọi người dùng chúng với liều lượng cao theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Những loại acid béo cụ thể này chỉ có trong các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá ngừ và cá mòi. Tuy nhiên, để được hiệu quả, người bị khô mắt nên sử dụng thực phẩm bổ sung hoặc áp dụng chế độ ăn kiêng bao gồm ăn cá thường xuyên hay chế độ ăn Địa Trung Hải.
Probiotic thường có trong thực phẩm lên men hoặc dưới dạng thực phẩm bổ sung. Probiotic có thể giúp duy trì hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh. Hệ vi sinh vật đường ruột bao gồm hàng triệu vi khuẩn khác nhau và các sinh vật sống khác hỗ trợ nhiều chức năng khác nhau, bao gồm cả tiêu hóa.
Theo một nghiên cứu năm 2020, hệ vi sinh vật đường ruột có thể mang lại một số lợi ích tiềm năng cho những người bị khô mắt và các vấn đề sức khỏe khác. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng việc sử dụng nhiều chế phẩm sinh học đa dạng giúp tạo ra hệ vi sinh vật đường ruột cân bằng tốt có thể hỗ trợ sản xuất nước mắt. Một số thực phẩm có chứa probiotic bao gồm: sữa chua, dưa cải bắp, bánh mì chua, miso…
Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù thực phẩm giàu men vi sinh hữu ích nhưng việc ăn thực phẩm có chứa men vi sinh có thể không có tác dụng tương tự đối với sức khỏe của mắt như chất bổ sung men vi sinh. Nếu bác sĩ kê đơn hoặc khuyên dùng một loại men vi sinh thì người khô mắt nên làm theo lời khuyên của bác sĩ và không cố gắng thay thế thực phẩm bổ sung bằng thay đổi chế độ ăn uống.
Vitamin A là một loại vitamin tan trong chất béo xuất hiện tự nhiên trong trái cây, rau quả màu cam, cũng như một số nguồn động vật nhất định, chẳng hạn như sữa, trứng, nội tạng. Vitamin A giúp ích cho sức khỏe tổng thể của mắt và sản xuất nước mắt.
Một nghiên cứu năm 2019 đã báo cáo chất lượng nước mắt được cải thiện ở những người bị khô mắt được bổ sung vitamin A.
Thực phẩm giàu vitamin A bao gồm nhiều loại trái cây, rau quả có màu cam như cà rốt, cam, khoai lang. Những nguồn này chứa chất được gọi là tiền vitamin A, mà cơ thể phải chuyển hóa thành vitamin A trong ruột. Các nguồn vitamin A động vật, chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa, trứng và nội tạng, cung cấp vitamin A được tạo thành trước, có nghĩa là vitamin được hình thành đầy đủ. Vitamin tổng hợp cũng thường chứa vitamin A ở cả dạng tiền vitamin.
Kẽm là một khoáng chất có trong nhiều loại thực phẩm giúp ích trong việc bảo vệ mắt khỏi ánh sáng và tăng cường sức khỏe võng mạc.
Những người quan tâm đến việc bổ sung thêm kẽm vào chế độ ăn uống của mình có thể ăn các loại thực phẩm như: các loại đậu, các loại ngũ cốc, thịt nạc đỏ, hàu, gia cầm… Nếu muốn bổ sung kẽm, người bị khô mắt nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Vitamin E là chất chống oxy hóa hòa tan trong chất béo có thể cải thiện sức khỏe tổng thể của mắt và bảo vệ mắt. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy chất bổ sung chống oxy hóa có chứa vitamin E giúp cải thiện tính ổn định của màng nước mắt.
Thực phẩm cung cấp vitamin E như ớt đỏ, lạc, quả hạnh, dầu mầm lúa mì, bí ngô.
Zeaxanthin và lutein
Zeaxanthin và lutein là hai loại chất chống oxy hóa có thể hỗ trợ sức khỏe chung của mắt. Những chất dinh dưỡng này có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau như rau, trái cây có màu sắc rực rỡ, chẳng hạn như nho, các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau bina, rau xanh cải rổ và trứng.
Vitamin C là một loại vitamin tan trong nước giúp điều trị nhiều tình trạng sức khỏe, bao gồm cả khô mắt. Nó có thể giúp duy trì việc sản xuất nước mắt.
Thực phẩm có chứa vitamin C bao gồm bắp cải, trái cây họ cam quýt, chẳng hạn như chanh, cam, ớt chuông, bông cải xanh…
3. Thực phẩm người bị khô mắt nên ăn
Cá
Cá là nguồn cung cấp acid béo omega-3. Acid béo rất cần thiết cho sự phát triển thị giác và chức năng võng mạc. Tiêu thụ acid béo omega-3 có thể làm giảm 17% nguy cơ khô mắt. Ngoài ra, omega-3 làm giảm tình trạng viêm ở mắt và thúc đẩy sản xuất tuyến meibomian, chịu trách nhiệm tạo ra lớp nhờn ở mắt (giảm sự bay hơi của nước mắt). Một số loại cá tốt nhất cung cấp acid béo omega-3 là: cá tuyết, cá trích, cá hồi, cá mòi, cá ngừ.
Tuy nhiên, nếu không thích cá, các chuyên gia dinh dưỡng mắt thường khuyên nên bổ sung omega-3.
Cá béo cũng chứa vitamin D. Mặc dù cơ thể hấp thụ một số vitamin D qua ánh nắng mặt trời, việc bổ sung vitamin D thông qua chế độ ăn uống hoặc thực phẩm bổ sung sẽ dễ dàng hơn. Nghiên cứu cho thấy hàm lượng vitamin D thấp làm tăng nguy cơ khô mắt. Ngoài ra, thiếu vitamin D cũng làm giảm sản xuất nước mắt, làm trầm trọng thêm các triệu chứng khô mắt.
Khoai lang
Khoai lang có nhiều lợi ích sức khỏe đáng ngạc nhiên, chủ yếu là do chất chống oxy hóa. Chúng cũng giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Khoai lang có hơn 200% lượng vitamin A được khuyến nghị hàng ngày. Tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin A (hoặc thực phẩm bổ sung có chứa vitamin A) có thể cải thiện chất lượng nước mắt và giảm các triệu chứng của bệnh khô mắt.
Cà rốt
Cà rốt chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của mắt. Cà rốt rất giàu vitamin A và beta carotene. Beta carotene là chất mang lại cho cà rốt màu cam rực rỡ. Nó cũng giúp cơ thể sản xuất vitamin A một cách tự nhiên.
Quả bơ
Quả bơ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng phong phú mà hầu hết mọi người đều thiếu trong chế độ ăn hàng ngày, bao gồm magie, B6, vitamin C, vitamin E, folate, kali. Nhiều chất dinh dưỡng trong quả bơ rất cần thiết cho sức khỏe của mắt và hỗ trợ màng nước mắt.
Kali và magie là thành phần tạo nên chất điện giải trong nước mắt. Chất điện giải là nguyên nhân khiến nước mắt có vị mặn. Nếu không có nước mắt mặn, mắt sẽ thiếu độ ẩm và dinh dưỡng để hỗ trợ các tế bào.
Quả bơ có nhiều chất chống oxy hóa và hợp chất chống viêm, bao gồm cả carotenoid lutein. Những chất này giúp chống lại tổn thương oxy hóa và sự tiến triển của nhiều bệnh mạn tính. Chất chống oxy hóa cũng giúp bảo vệ sức khỏe của não, tim.
Trứng
Trứng hấp, luộc hay ốp đều là những món ăn giàu chất dinh dưỡng. Trứng là nguồn cung cấp lutein, zeaxanthin, vitamin C, vitamin E và kẽm. Các chất chống oxy hóa lutein và zeaxanthin được Hiệp hội Đo thị lực Hoa Kỳ (AOA) khuyến nghị vì lượng lớn các chất chống oxy hóa này được tìm thấy trong võng mạc. Chúng cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề về mắt, bao gồm đục thủy tinh thể, tổn thương do tia cực tím và khô mắt.
Trái cây có múi
Trái cây họ cam quýt chứa vitamin C, một chất chống oxy hóa được AOA khuyên dùng để bảo vệ thị lực và ngăn ngừa các bệnh về mắt. Vitamin C còn là thành phần của màng nước mắt, hỗ trợ bôi trơn, thúc đẩy sản xuất nước mắt. Một số loại trái cây có múi bao gồm: cam, bưởi, chanh…
Bông cải xanh (súp lơ xanh)
Bông cải xanh là thực phẩm chứa khá nhiều chất dinh dưỡng. Nó chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin C, vitamin E, lutein và zeaxanthin.
Rau lá xanh
Các loại rau lá xanh, đặc biệt là rau chân vịt, cải xoăn, chứa nhiều vitamin, chất dinh dưỡng và khoáng chất quan trọng cho sức khỏe toàn cơ thể. Một số loại tốt nhất cho sức khỏe của mắt, giảm khô mắt bao gồm lutein, zeaxanthin và vitamin C.
Ớt chuông
Ớt chuông mọng nước, thơm ngon, chứa nhiều vitamin C. Tuy nhiên, tốt nhất nên ăn ớt chuông sống vì việc nấu chín thức ăn phá vỡ vitamin C. Ớt chuông có màu sắc rực rỡ như đỏ, cam và xanh cũng là nguồn cung cấp vitamin A và vitamin E.
Đậu
Các loại đậu như đậu mắt đen, đậu thận, đậu lima... có thể bổ sung nhiều chất dinh dưỡng lành mạnh vào chế độ ăn uống, bao gồm vitamin B và kẽm. Khoáng chất kẽm là cách mắt nhận được vitamin A từ gan, giữ cho võng mạc khỏe mạnh, bảo vệ mắt khỏi tác hại của ánh sáng.
Tuy nhiên, kẽm cũng làm giảm lượng đồng cần thiết cho quá trình sản xuất hồng cầu trong cơ thể nhưng đậu có kẽm và đồng giúp tăng cường sức khỏe của mắt, duy trì tế bào máu.
Quả hạch
Quả hạch rất giàu acid béo omega-3. Ngoài ra, quả hạch còn chứa hàm lượng vitamin E cao, một thành phần quan trọng giúp ngăn ngừa sự phân hủy của các mô mắt khỏe mạnh. Các loại quả hạch tốt cho sức khỏe của mắt bao gồm quả hạch, hạt điều, quả óc chó.
Bí xanh và bí ngô
Bí xanh là nguồn cung cấp vitamin C và kẽm, bí ngô cung cấp vitamin A, C, omega-3. Ngoài ra, bí xanh còn cung cấp lutein và zeaxanthin cho chế độ ăn uống.
Các loại hạt
Các loại hạt là nguồn cung cấp omega-3 và vitamin E dồi dào, cả hai đều cần thiết cho sức khỏe của mắt, rất hữu ích trong việc kiểm soát các triệu chứng khô mắt.
Một số loại hạt có hàm lượng omega-3 cao bao gồm hạt chia, hạt lanh. Ngoài ra, hạt hướng dương và hạnh nhân có nhiều vitamin E.
Nước
Nước không phải là thực phẩm nhưng nó rất cần thiết cho dinh dưỡng. Giữ nước duy trì và bảo vệ cơ thể, từ việc bôi trơn các khớp đến việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, nước có ở khắp mọi nơi trong cơ thể.
Nước cũng là thành phần dồi dào nhất trong nước mắt. Nước chiếm 98% nước mắt, 2% chứa dầu, chất điện giải và protein. 2% đó rất quan trọng để nuôi dưỡng mắt và ngăn ngừa sự bay hơi của nước mắt vì vậy cần có đủ nước để duy trì lượng nước mắt.
4. Thực phẩm người bị khô mắt nên tránh
Hành, tỏi và ớt cay
Những tác động từ các gia vị cay nóng này sẽ gây kích ứng lên những dây thần kinh, trong đó có dây thần kinh thị giác, khiến mắt đang bị khô sẽ càng khô hơn, gây nhức mỏi và giảm thị lực, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.
Chất kích thích
Những chất kích thích như hình như thuốc lá, rượu … gây ảnh hưởng rất lớn đến bệnh khô mắt. Không những thế, rượu, bia và khói thuốc lá còn là nguyên nhân gây ra khô mắt. Những thực phẩm này ngoài gây tổn hại đến tuyến lệ thì còn kích thích sự bài tiết nước tiểu, khiến cơ thể mất nước nhanh chóng, từ đó làm giảm cả về chất lượng và số lượng nước mắt.
Thực phẩm nhiều muối
Khi tiêu thụ những thực phẩm quá nhiều muối thường xuyên khi bị khô mắt sẽ khiến cơ thể tăng bài tiết nước tiểu và làm thiếu hụt lượng nước cần thiết cho quá trình tạo nước mắt. Từ đó, làm trầm trọng thêm tình trạng khô mắt của người bệnh. Do vậy, người bệnh cần chú ý tới lượng muối sử dụng trong ngày.
Thực phẩm quá nhiều đường
Ăn các thực phẩm có lượng đường cao trong một thời gian dài có nguy cơ dẫn tới tình trạng tăng lượng đường trong máu. Từ đó, gây tổn thương võng mạc, hoàng điểm và gây suy giảm chức năng của mắt đồng thời làm tình trạng khô mắt diễn biến nặng nề hơn.
Thực phẩm chế biến sẵn
Những thực phẩm chế biến sẵn giàu chất béo bão hòa như khoai tây chiên, xúc xích, lạp xưởng… đều có nguy cơ làm rối loạn quá trình trao đổi chất tại cơ quan mắt, làm giảm lượng nước mắt tiết ra đáng kể và làm trầm trọng hơn tình trạng khô mắt. Không những thế, khi thường xuyên tiêu thụ những loại thực phẩm này có nguy cơ làm gia tăng số lượng gốc tự do trong cơ thể, đẩy nhanh quá trình lão hóa ở mắt, tình trạng khô mắt diễn ra trầm trọng hơn, mờ mắt và thậm chí suy giảm thị lực.
Nếu đã thay đổi chế độ ăn uống mà không cải thiện được tình trạng khô mắt, nên đi khám để bác sĩ mắt thăm khám, đánh giá chế độ ăn uống và giải quyết các nguyên nhân cơ bản gây ra các triệu chứng khô mắt.
Xem thêm: