Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến ung thư thanh quản vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Hút thuốc lá và uống rượu: Yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư thanh quản là thuốc lá và rượu. Nếu người bệnh vừa hút thuốc lá và uống rượu thì nguy cơ mắc bệnh tăng lên nhiều lần.
- Một số viêm thanh quản mạn tính như bạch sản, hồng sản dây thanh cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao, tỷ lệ chuyển thành ác tính từ 10 – 40%.
- Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ ung thư thanh quản khác như trào ngược dạ dày, thoát vị thanh quản, u nhú thanh quản, làm việc trong môi trường tiếp xúc với chất phóng xạ.
Ung thư thanh quản dễ gây lầm tưởng với những bệnh lý thông thường
Ung thư thanh quản là một trong các bệnh lý ung thư vòm mũi họng. Ung thư thanh quản giai đoạn đầu không có những triệu chứng rõ ràng, do vậy bệnh nhân thường bỏ qua, dễ gây lầm tưởng với những bệnh lý thông thường khác.
Các triệu chứng của ung thư thanh quản phụ thuộc chủ yếu vào kích thước của khối u và vị trí của nó ở thanh quản. Các triệu chứng bao gồm:
- Nói khàn hoặc thay đổi giọng nói.
- Đau họng hoặc có cảm giác nghẹn cổ họng.
- Ho kéo dài.
- Khó thở, thở kém.
- Đau tai.
- Gầy sút cân.
- Khối u ở cổ.
Các triệu chứng này có thể do ung thư khác gây ra hoặc do bệnh khác ít nghiêm trọng hơn.
Những bệnh lý hay gặp gây khàn tiếng kéo dài cũng cần lưu ý
- Viêm thanh quản: Thường gây phù nề thanh quản, gây khàn tiếng, mất tiếng. Nếu viêm thanh quản cấp điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi nhanh. Nếu viêm thanh quản mạn tính, tình trạng khàn tiếng thường kéo dài và dễ tái phát.
- Hạt xơ dây thanh: Xuất hiện trên dây thanh làm cho 2 dây thanh đóng không kín. Thường gây ra tình trạng khàn tiếng kéo dài, hụt hơi, mệt mỏi.
- Nang nước dây thanh: Cũng làm cho dây thanh đóng không kín nên tiếng nói bị khàn, có cảm giác vướng, đau họng.
- U lành thanh quản như u xơ, polyp: Các bệnh này gây ra tình trạng thanh quản không đóng kín, gây khàn tiếng. Nếu u to có thể gây ra chèn ép, khó thở.
- Tổn thương dây thần kinh quặt ngược: Đây là dây thần kinh chi phối giọng nói. Khi dây thần kinh này bị tổn thương, bị liệt, cũng gây ra khàn tiếng.
- Ung thư thanh quản: Triệu chứng ban đầu có khi chỉ là khàn tiếng kéo dài, sau đó ho khan, có thể ho ra máu, sụt cân.
Chẩn đoán ung thư thanh quản
Dựa vào triệu chứng lâm sàng như tình trạng khàn tiếng càng ngày càng tăng; khó thở thì hít vào; nuốt vướng, nuốt đau vùng thanh quản, hạ họng; hạch di căn vùng cổ. Bác sĩ thăm khám cần phải đánh giá vị trí, số lượng, độ chắc và sự di động của hạch cổ, có thể cho bệnh nhân làm xét nghiệm chọc hạch để biết rõ có phải hạch di căn hay không.
- Nội soi thanh quản: Đây thường là bước tiến hành đầu tiên khi người bệnh đến khám có một trong những triệu chứng nghi ngờ, nội soi giúp chẩn đoán hoặc loại trừ ung thư thanh quản.
Trong quá trình nội soi thanh quản, bác sĩ có thể sơ bộ phân biệt tổn thương ung thư thanh quản với lao thanh quản hoặc các khối u lành tính ở thanh quản như papilloma, polyp, hạt xơ…
- Chụp X-quang phổi hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: Nhằm đánh giá ung thư di căn phổi.
- Chụp CT scan và MRI có tiêm thuốc cho phép đánh giá sự lan của khối u, đặc biệt ở các vị trí mép trước dây thanh, hạ thanh môn, các khoang của thanh quản như khoang giáp móng thanh thiệt, khoang cạnh thanh môn, sự lan của khối u đến hạ thanh môn, sụn giáp, sụn nhẫn. Bên cạnh đó, CT scan, MRI giúp đánh giá tình trạng hạch cổ.
- Siêu âm vùng cổ: Giúp phát hiện hạch cổ mà không thấy trên lâm sàng.
- PET CT-scan: Nhằm phát hiện các ổ di căn, phân biệt tái phát với các tổn thương hoại tử sụn do tia hoặc các di chứng trong quá trình điều trị, hoặc phát hiện các ổ ung thư thứ hai…
Tóm lại: Ung thư thanh quản là bệnh mà các tế bào ác tính (ung thư) hình thành trong mô thanh quản. Bệnh này chủ yếu thường gặp ở nam giới, chiếm trên 90%; ở độ tuổi 50 – 70 tuổi chiếm 72%, từ 40 – 50 tuổi chiếm 12%. Song hiện nay độ tuổi mắc bệnh ngày càng được trẻ hóa và phụ nữ cũng mắc bệnh ung thư thanh quản nhiều hơn.
Nếu được phát hiện triệu chứng ung thư thanh quản sớm thì tỷ lệ chữa khỏi là 80%, nhưng đa phần các trường hợp chủ quan và thiếu hiểu biết nên bệnh đã tiến triển ở giai đoạn muộn. Vì vậy, người bệnh cần khám bệnh định kỳ và khi có biểu hiện nghi ngờ như: Khàn tiếng, ho, khó thở, khó nuốt… cần lưu ý thăm khám kịp thời để xác định tình trạng và có phương án đối phó phù hợp.