Quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển trong những năm vừa qua. Hiện nay, trong số các nước EU, Bỉ là nước xuất khẩu lớn thứ sáu và nước nhập khẩu lớn thứ tám của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Bỉ và Việt Nam đạt 2,45 tỷ Đô-la năm 2016. Ngày càng nhiều các công ty Bỉ đầu tư vào Việt Nam. Bỉ tự hào về một số dự án hàng đầu tại Việt Nam. Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam mang đến những cơ hội mới thúc đẩy giao thương hơn nữa.
Hiện nay, nền nông nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới và phát triển bền vững để thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH) và đảm bảo an ninh lương thực. Trước bối cảnh này, các chuyên gia của Bỉ và Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp tại hội thảo “Hỗ trợ ngành nông nghiệp bền vững và đổi mới của Việt Nam”. Trong đó có thể kể đến như: Chương trình Quản lý Nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu (chuyên gia Ian Wood, Cơ quan phát triển Bỉ); viễn thám để sử dụng đất bền vững (Els Knaeps, Viện nghiên cứu công vùng Fla-măng/VITO); Kết hợp giải phá tưới và tiêu úng, ứng phó với các hậu quả của BĐKH tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Áp dụng nông nghiệp theo chiều dọc để tối ưu hóa chuỗi cung ứng trên khắp thế giới; Dự án “trạm khử mặn bằng năng lượng gió”,...
Để đảm bảo sản xuất lương thực bền vững ở Việt Nam, các chuyên gia hai nước cũng đưa ra các giải pháp như An toàn sinh học, phòng ngừa sâu bệnh và có trách nhiệm và hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi ở Việt Nam; Xây dựng niềm tin và an toàn trong chuỗi giá trị lương thực; Đánh giá giá trị của dư lượng cây thanh long cùng với việc giảm truyền bệnh; Các giải pháp đổi mới cho ngành cacao ở Việt Nam.
Tất cả các giải pháp trên sẽ góp phần cho một nền nông nghiệp xanh và bền vững của Việt Nam trong tương lai.