Bị hen có nên tập thể dục thể thao không, tập môn nào?

30-09-2023 07:01 | Phòng mạch online

SKĐS - Con trai tôi bị bệnh hen, cứ thay đổi thời tiết hay chuyển mùa cháu lại hay xuất hiện cơn hen hơn khi thời tiết bình thường. Mong bác sĩ giải thích vì sao lại thế? Tập thể dục, thể thao có ảnh hưởng đến bệnh hen không? Người bệnh hen nên tập môn thể dục, thể thao nào?

Văn Dũng (Hà Nội)

Thân chào anh!

Như chúng ta đã biết, bệnh hen là bệnh mạn tính đường thở do viêm, co thắt và tăng tính phản ứng đường thở gây ra các triệu chứng: ho, khò khè, tức ngực, khó thở tái phát.

Bệnh hen có hai loại: hen dị ứng và hen không dị ứng.

- Hen dị ứng: Thường khởi phát sớm. Khi tiếp xúc với các dị nguyên như: phấn hoa, lông súc vật, bọ nhà sẽ làm khởi phát bệnh hen. Bệnh xuất hiện ở người có cơ địa dị ứng (là người dễ mắc các bệnh dị ứng khác mà trước đó họ đã mắc một hay nhiều bệnh dị ứng như: viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, viêm da dị ứng, chàm, hen, dị ứng thời tiết, mày đay…).

- Hen không dị ứng: Thường khởi phát muộn, không có cơ địa dị ứng, thường gặp ở người lớn. Tác nhân gây khởi phát cơn hen thường không đặc hiệu: nhiễm khuẩn, nhiễm virus, sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, khói thuốc.

Người bệnh hen nên tập môn thể dục thể thao nào? - Ảnh 1.

Đi bộ tốt cho người bệnh hen. Ảnh minh họa.

Khi bệnh nhân hen đồng thời mắc viêm mũi dị ứng sẽ khó chữa hơn nếu chỉ mắc hen hoặc mắc viêm mũi dị ứng.

Chuyển mùa có thể làm cơn hen xuất hiện hoặc nặng lên hoàn toàn đúng, như trường hợp con trai anh. Nguyên nhân là do chuyển mùa thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, dị nguyên và các yếu tố khởi phát hen. Khi thời tiết lạnh nhanh và đột ngột làm phế quản người hen tăng thông khí, tăng co thắt gây khó thở hơn (phế quản người hen nhạy cảm với lạnh gấp hàng trăm lần so với người bình thường). Độ ẩm tăng là môi trường tốt để vi khuẩn, virus, kí sinh trùng, nấm mốc, phấn hoa phát triển, các chất ô nhiễm không khí tăng đậm độ làm người hen dễ mắc bệnh, hit phải gây tổn thương, tăng phản ứng viêm đường hô hấp và khó thở tăng.

Mặc khác, khi chuyển mùa làm cho các quần thể vi khuẩn, virus, ký sinh trùng sẵn có ở đường hô hấp người hen vốn đã nhạy cảm sẽ phản ứng rất nhanh và mạnh trước sự thay đổi đột ngột của môi trường sống, hậu quả là viêm đường hô hấp, tăng co thắt phế quản làm bệnh hen nặng hơn.

Với những người bị bệnh hen, việc tập thể dục, thể thao, hoạt động thể lực cần được khuyến khích với cường độ và thời gian hợp lý, tăng rất chậm, khỏi động đầy đủ. Việc tập thể dục thể thao đúng mức sẽ không làm xuất hiện cơn khó thở, không ảnh hưởng xấu đến bệnh hen mà trái lại nó còn làm cho người bệnh có sức khỏe dẻo dai, chịu đựng và thích nghi tốt hơn trước những thay đổi hoạt động bất thường trong sinh hoạt hàng ngày; làm cải thiện các triệu chứng bệnh hen và tăng chất lượng cuộc sống.

Các môn thể dục, thể thao và hoạt động thể lực thông thường tốt cho người bệnh hen gồm các môn thể thao không đòi hỏi gắng sức liên tục như: cầu lông, bóng bàn, tennis, bóng chuyền, bóng rổ, thậm chí bóng đá cũng hiếm khi gây cơn hen cấp.

Trước khi tập, hãy làm nóng cơ thể bằng cách khởi động 5-10 phút trước khi tập. Có thể bắt đầu bằng đi bộ chậm, vận động cơ khớp nhẹ nhàng, mềm dẻo.

Bơi là loại hình tập luyện rất tốt cho bệnh nhân hen với điều kiện thời tiết ấm, nhiệt độ nước phù hợp. Tránh bơi khi trời lạnh và phải chú ý các tác nhân có thể kích thích cơn hen như các loại hóa chất dùng để sát trùng nước bể bơi.

Những môn thể thao, những bài tập thể lực nặng sẽ gây khó thở với người bệnh hen.

Người bệnh hen cũng lưu ý khi tập thể dục, thể thao nên tránh những nơi có dị nguyên gây khởi phát cơn hen như: bụi nhà, lông súc vật, nấm, phấn hoa, không khí lạnh, những nơi bị ô nhiễm môi trường...

Chúc con trai anh luôn sống khỏe để đối phó với căn bệnh mạn tính này!

Sai lầm thường gặp ở người bệnh hen suyễn khi điều trị tại nhàSai lầm thường gặp ở người bệnh hen suyễn khi điều trị tại nhà

SKĐS - Hen suyễn là một bệnh lý hô hấp mạn tính phổ biến. Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Trên thực tế, nhiều người bệnh thường chủ quan, khiến tình trạng bệnh tái phát và nguy hiểm đến tính mạng.

Đặt câu hỏi

Loading...

Xem tiếp
PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn
Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai
Ý kiến của bạn