Bị hại vụ FLC mong muốn ông Trịnh Văn Quyết mua lại cổ phiếu ROS

24-07-2024 14:57 | Pháp luật

SKĐS - Trình bày trước toà, một số nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ROS bày tỏ mong muốn cựu Chủ tịch FLC hãy dùng tài sản của mình để mua lại cổ phiếu ROS của những cổ đông không còn muốn tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp.

Bị hại đề xuất phương án khắc phục hậu quả vụ án

Sáng 24/7, phiên xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo khác trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán,... xảy ra tại Tập đoàn FLC tiếp tục làm việc.

Trong phiên toà sáng nay, một số bị hại đã có ý kiến về phương án khắc phục hậu quả vụ án.

Trình bày trước toà, anh V.T.N. (ở quận 10 TPHCM) cho biết hiện đang nắm giữ 200.000 cổ phiếu ROS. Anh N. đề xuất cho giao dịch lại mã cố phiếu ROS hoặc đền bù bằng số tiền nhà đầu tư đã mua cổ phiếu.

Bị hại vụ FLC mong muốn ông Trịnh Văn Quyết mua lại cổ phiếu ROS- Ảnh 1.

Quang cảnh phiên toà

Tương tự, anh L.Q.H. (50 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đang mắc kẹt 150.000 cổ phiếu ROS và mong muốn cựu Chủ tịch FLC dùng tài sản của bản thân để mua lại cổ phiếu của những cổ đông không còn muốn tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp nữa.

Tuy nhiên, anh H. cho biết anh không được xem xét là bị hại mà chỉ là người liên quan. Anh H. mong muốn HĐXX xác định lại, coi tất cả những cổ đông, người đang nắm giữ cổ phiếu ROS là bị hại.

Trong khi đó, ông V.X.H. (61 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) trình bày ông mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros từ khoảng năm 2018-2019, hiện ông còn nắm giữ 1.300 cổ phiếu. Ông H. cho biết thời điểm mua cổ phiếu, ông tự tìm hiểu về công ty và không biết gì về ông Trịnh Văn Quyết cũng như dàn lãnh đạo của doanh nghiệp này.

"Cổ phiếu hiện tôi vẫn nắm giữ, chưa có thiệt hại. Vì vậy tôi đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho anh Quyết để anh ấy về tiếp tục sản xuất kinh doanh, để cổ phiếu chúng tôi lại tiếp tục được giao dịch trên sàn chứng khoán"- ông H. nêu ý kiến.

Cuối giờ xét xử buổi sáng 24/7, HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận vào sáng 25/7, bắt đầu bằng việc đại diện Viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết ước tính tài sản cá nhân khoảng 5.000 tỷ đồng, dùng toàn bộ để khắc phục hậu quả vụ án

Trong vụ án, với cả hai tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết bị quy buộc trách nhiệm với khoản tiền lên tới 4.300 tỷ đồng.

Cựu chủ tịch FLC cho hay nếu sau phiên tòa bị tuyên buộc bồi thường toàn bộ 4.300 tỷ đồng thì xin được tạo điều kiện xử lý toàn bộ số tài sản này để có tiền nộp lại. Ông ước tính số tài sản bị kê biên phong tỏa lên tới 5.000 tỷ đồng, đủ để thực hiện nghĩa vụ dân sự trong vụ án.

Ngoài ra tính đến ngày 23/7, tổng số tiền bị cáo Trịnh Văn Quyết khắc phục hậu quả vụ án là 237 tỷ đồng (bao gồm 25,1 tỷ đồng vợ ông Quyết thay chồng nộp khắc phục thêm 25,1 tỷ đồng được thông tin ngày 22/7). 

Trong đó, có 200 tỷ đồng nộp trong giai đoạn bị truy tố, ông Quyết cho biết có nguồn gốc từ việc được đối tác tạm trả khi bán đi hãng hàng không Bamboo Airways. Bị cáo hy vọng thời gian tới, nếu người mua Bamboo Airways trả nốt 500 tỷ đồng sẽ nộp toàn bộ để khắc phục hậu quả.

Theo cáo trạng, ông Quyết và các em gái hiện đang bị kê biên hơn 2.200 m2 nhà đất tại quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy (Hà Nội). Bộ Công an đề nghị, 500 tài khoản chứng khoán của em gái út - bị cáo Huế, với tổng số dư 7,6 tỷ đồng cùng 243 triệu cổ phiếu (thuộc các mã GAB, FLC và ART) cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phong tỏa. Các mã cổ phiếu này đều đã bị đình chỉ giao dịch.

Ngoài các tài sản này, ông Quyết xin được bán các cổ phần của mình tại tập đoàn FLC để khắc phục tối đa nhưng chưa được chấp thuận. Nếu tất cả tài sản này vẫn chưa đủ, ông Quyết khai chỉ biết "xin khoan hồng" để được tiếp tục tìm các biện pháp khác khắc phục hậu quả.

Xem thêm video được quan tâm:

Các bị cáo được dẫn giải tới phiên toà.



Minh Ngọc
Ý kiến của bạn