Hà Nội

Bi hài vì tin thầy bói

23-01-2014 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Xem bói, xem tướng, mời thầy cúng, thầy tế giải hạn, xua đen nở rộ, đặc biệt trong những ngày cuối năm và đầu xuân năm mới. Điều đáng nói, không ít gia đình vì quá tin vào những lới phán của thầy bói đã có những hành động “mụ mị” khiến tan hoang cửa nhà...

Xem bói, xem tướng, mời thầy cúng, thầy tế giải hạn, xua đen nở rộ, đặc biệt trong những ngày cuối năm và đầu xuân năm mới. Điều đáng nói, không ít gia đình vì quá tin vào những lới phán của thầy bói đã có những hành động “mụ mị” khiến tan hoang cửa nhà, thậm chí tước đi quyền được khám chữa bệnh của người thân.

Rước họa vì tin thầy bói hơn thầy thuốc

TS.BS. Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, ông đã từng cứu chữa cho một bệnh nhân ngoài 80 tuổi (Hà Nội) bị tai biến nhẹ. Trước đó, bà bị mệt nằm ở nhà cả tháng, đến lúc mệt nặng gia đình mới đưa đi viện. Sức khỏe của bà yếu nhưng chưa phải thở máy. Sau vài tuần điều trị, bệnh nhân đã bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, một buổi tối, con trai bệnh nhân vào xin BS. Duệ được đưa mẹ về nhà. Càng thuyết phục, con trai bà cụ càng khăng khăng “xin về”. Hỏi kỹ người nhà bệnh nhân, bác sĩ được biết: Chị gái và vợ của anh con trai này vừa đi xem bói. Ông thầy phán rằng, mẹ anh ta không thể qua nổi 2 giờ đêm hôm đó nên muốn xin cho mẹ về nhà... chết. Phải thuyết phục, giải thích rất lâu người nhà bệnh nhân mới chấp nhận để bệnh nhân điều trị tiếp. Cũng từ việc tin “thầy bói” hơn thầy thuốc, không ít người bệnh phải nhập viện tâm thần vì cách chữa kỳ quái từ “thầy bói”. Nguyễn Thị Mai (Nghệ An) là sinh viên năm cuối của một trường kinh tế ở Hà Nội, thời gian chuẩn bị thi tốt nghiệp, tự nhiên cô sút cân, gầy rộc, khó ngủ. Thấy con gái có những biểu hiện lạ, mẹ đã đưa cô đi xem bói. Sau khi được một thầy ở thành phố Vinh phán “có một âm hồn đang theo đuổi” và “phải để thầy giải hạn thì mới cắt được âm hồn”, cả hai mẹ con cô lo lắng, gom góp tiền đưa thầy làm lễ. Nhưng lễ xong, các triệu chứng của Mai vẫn không giảm. Bà mẹ lại tiếp tục đưa cô đến các thầy khác. Mỗi người phán mỗi kiểu, mỗi lần đi xem bói là mỗi giải hạn, Mai phải uống đủ loại nước thánh, thuốc thánh... Sau gần nửa năm kiên trì đi gặp thầy, theo khắp các đền miếu để cầu khấn nhưng bệnh của con càng nặng thêm, nhất là khi có mùi khói nhang, bố mẹ Mai mới đưa đến Bệnh viện Tâm thần Nghệ An điều trị. Chỉ sau hơn một tuần uống thuốc và điều trị bằng liệu pháp tâm lý, Mai khỏi bệnh và trở lại học hành bình thường. Vẫn liên quan đến việc tin lời thầy bói, nhiều gia đình đã cản trở, thậm chí hủy hôn của con cháu vì những lý do “ trên trời”. Vừa qua, ngay tại Hà Nội, một gia đình trên khu phố cổ đã phải hủy hôn vì nghe lới thầy bói. Theo thầy bói, hai bạn trẻ tuy hợp duyên song chưa hợp mạng, nếu cố tiến tới hôn nhân thì đường con cái, sinh nở gặp trắc trở. Để giải vận, cần làm một lễ “bỏ chồng” gồm vài chục lễ khoảng hơn 40 triệu đồng. Do bất đồng quan điểm giữa nhà trai và nhà gái nên nhà gái quyết định “hủy hôn” mặc cho đôi trẻ khóc “nức nở”.

Dịp đầu năm, các loại hình cúng, lễ gia tăng.

Dịp đầu năm, các loại hình cúng, lễ gia tăng.

Tăng cường công tác quản lý

Có thể thấy, hiện nay, nền kinh tế thị trường hàng hóa nhiều thành phần, nhiều cá nhân, doanh nghiệp làm ăn phát đạt. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, các hủ tục, tệ nạn và mê tín dị đoan trong xã hội theo đó cũng có chiều hướng gia tăng. Tệ nạn mê tín dị đoan được biểu hiện thông qua các hình thức: xem bói, đốt vàng mã nhiều, sử dụng các loại sách mê tín, chữa bệnh lang băm, xem đoán số, hậu vận qua tờ giấy bạc... Nhiều người đi xem bói cứ dâng tiền thật cho thầy để rồi nghe “thánh phán”. Nghe “thánh phán” xong, nhiều người sinh ra bất ổn tư tưởng, lo lắng, buồn phiền, gieo rắc rối, hoang mang cho nhiều người, nhiều gia đình.

Như vậy, để xóa bỏ hủ tục, tệ nạn và bài trừ mê tín dị đoan, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, thực hiện đồng bộ một số biện pháp như: Tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, như xây dựng gia đình văn hóa; làng, thôn, tiểu khu, tổ dân phố, xã, thị trấn; cơ quan, đơn vị văn hóa. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở trong sạch, lành mạnh; tăng cường công tác giáo dục ý thức cho nhân dân hiểu và tổ chức các hoạt động pháp luật, pháp lệnh do Đảng, Nhà nước quy định về việc phòng chống các hoạt động mê tín dị đoan để nhân dân có biện pháp ngăn chặn và kịp thời báo với cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, việc tăng cường đổi mới công tác tổ chức, quản lý lễ hội, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực để mùa lễ hội xuân Giáp Ngọ 2014 là việc làm hết sức cấp thiết. Để gìn giữ không gian thanh tịnh, thiêng liêng cho các đền, chùa, các ban quản lý cần tăng cường chấn chỉnh công tác lễ hội ngay từ bây giờ theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW và Chỉ thị 20-CT/TW.

Tuấn Vũ

 


Ý kiến của bạn