Bệnh nhân là Choỏng Thị S. (23 tuổi) trú tại xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu vào viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, da môi nhợt nhạt, buồn nôn, chướng bụng, đau dữ dội vùng thắt lưng. Theo lời kể của gia đình, chị S từng bị ung thư ruột non đã phẫu thuật cách đây 2 tháng, tuy nhiên qua kiểm tra theo dõi thấy vết mổ bình thường. Nghi ngờ có tổn thương tạng do va đập, các bác sĩ đã cặn kẽ khai thác thông tin từ bệnh nhân và được biết trong quá trình lao động chị S. không may bị gùi nặng đập mạnh vào người, ban đầu cơn đau âm ỉ sau đau thắt lan rộng. Ngay lập tức,bệnh nhân được đưa đi kiểm tra kết quả phát hiện thận phải bị chấn thương chảy máu chưa cầm được, nếu không xử trí kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Sau khi tiến hành hội chẩn liên khoa, các bác sĩ quyết định thực hiện can thiệp nút mạch thận ngay trong đêmđể kịp thời cứu người bệnh. Ca cấp cứu do kíp bác sĩ CKI Ngô Quang Chức – Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh làm kíp trưởng cùng đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên của khoa đã tiến hành nút mạch cầm máu. Dưới sự hỗ trợ của máy chụp mạch xóa nền 2 bình diện DSA, một ống thông nhỏ luồn từ động mạch đùi đi đến đoạn mạch thận phải bị tổn thương. Tại đây vật liệu nút mạch sẽ được đưa vào để bịt kín làm ngưng chảy máu. Ca can thiệp diễn ra thành công thuận lợi trong thời gian ngắn, máu vùng tổn thương được cầm triệt để, mạch và huyết áp ổn định. Đến nay, bệnh nhân đã có thể tự ăn uống và đi lại nhẹ nhàng.
Hình ảnh ổ máu trước và sau khi nút mạch can thiệp
Chia sẻ về trường hợp này, bác sĩ CKI Ngô Quang Chức – Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết:Đối với những ca cấp cứu nguy kịch, việc chẩn đoán ban đầu là rất quan trọng để người bệnh được cứu chữa kịp thời. Trường hợp của bệnh nhân S. do chủ quan với chấn thương gặp phải khi lao động, nghĩ rằng cơn đau đơn thuần là vì phẫu thuật ung thư ruột non trước đó nên chỉ nằm ở nhà nghỉ ngơi đến khi vào viện đã trong tình trạng nặng, cần xử trí cấp cứu càng nhanh càng tốt. Rất may bệnh nhân đượcchúng tôi phát hiện tổn thương và can thiệp nút mạch cầm máu thận phải kịp thời ngay trong đêm nên đã qua khỏi cơn nguy kịch.
Bệnh nhân thể trạng yếu lại từng phẫu thuật ung thư trước đó nên quá trình thực hiện cần cẩn trọng để tránh tình trạng chảy máu tái phát. Hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tương đối ổn định và tiếp tục hỗ trợ điều trị nội khoa tại bệnh viện”.
Bác sĩ Chức cũng khuyến cáo thêm: Những va đập mạnh trong quá trình lao động có thể không gây thương tích bên ngoài nhưng không thể loại trừ nguy cơ vỡ tạng bên trong. Khi xảy ra sự cố, khi thấy nạn nhân có những biểu hiện bất thường như đau tức quanh vùng bụng, hoa mắt, buồn nôn, nhịp tim nhanh, mạch yếu, chướng bụng… cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện, cung cấp đầy đủ thông tin, tình trạng bệnh trước đó cho bác sĩ khám được biết để kịp thời chẩn đoán và điều trị, không nên chủ quan nằm theo dõi tại nhà bởi nguy cơ đe doạ tính mạng rất cao.