Bị gan nhiễm mỡ có nên uống thuốc bổ gan?

13-06-2022 08:38 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người có thói quen sinh hoạt không hợp lý và chế độ ăn uống thiếu khoa học dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu ngày càng phổ biến. Vậy khi mắc bệnh này có cần bổ sung thuốc bổ gan không và làm thế nào để điều trị bệnh hiệu quả?

Gan nhiễm mỡ: Nhận biết dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị sớm để ngừa xơ ganGan nhiễm mỡ: Nhận biết dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị sớm để ngừa xơ gan

SKĐS - Trong cuộc sống hiện đại, bệnh gan nhiễm mỡ là một bệnh khá phổ biến, thậm chí những người không bao giờ sử dụng bia rượu hoặc có thể trạng gày cũng có thể bị gan nhiễm mỡ.

1. Gan nhiễm mỡ là gì?

Gan nhiễm mỡ là tình trạng dư thừa mỡ trong gan, gây ảnh hưởng đến chức năng gan.

Gan nhiễm mỡ không do rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh gan mãn tính ở các nước phát triển. Theo ước tính gần đây, tỷ lệ lưu hành gan nhiễm mỡ không do rượu trên toàn cầu được báo cáo là 25% và tỷ lệ này vào khoảng 27,4% ở Châu Á. Trong số những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, có đến 12 - 40% sẽ diễn tiến tới viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu vẫn chưa được xác định rõ ràng, cũng như chưa lý giải được tại sao một số trường hợp gan nhiễm mỡ có thể tiến triển thành viêm gan, xơ gan. Bệnh có thể là kết quả của hội chứng chuyển hóa, liên quan đến các tình trạng sức khỏe như: Thừa cân, béo phì, tăng chất béo trong máu đặc biệt là triglyceride, kháng insulin, có lượng lớn mỡ bụng và đường máu cao.

Một số người có nguy cơ cao mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu như: Bệnh nhân béo phì, đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu, hội chứng buồng trứng đa nang, hội chứng ngưng thở khi ngủ,…

photo-1654958622176

Gan nhiễm mỡ có thể liên quan đến thừa cân, béo phì…

2. Gan nhiễm mỡ không do rượu có những triệu chứng nào?

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh thường rất mờ nhạt, ít có dấu hiệu rõ ràng. Đa phần các trường hợp bệnh được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe hoặc siêu âm.

Khi lượng mỡ trong gan chiếm từ 10 - 20% tổng trọng lượng lá gan, người bệnh đang ở giai đoạn 2 của bệnh gan nhiễm mỡ. Ở giai đoạn này, bệnh nhân bắt đầu có các biểu hiện rõ hơn như chán ăn, ăn không ngon, khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn và cảm thấy mệt mỏi thường xuyên.

Trong giai đoạn tiến triển cuối cùng của bệnh, lượng mỡ chiếm tới 20 – 30% tổng trọng lượng lá gan. Cùng với đó là các biểu hiện đặc trưng của bệnh gan như đau tức hạ sườn bên phải, vàng da, vàng mắt, u mạch nổi lên trên da, chán ăn, mệt mỏi, sút cân nhanh chóng.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể có các biểu hiện rối loạn nội tiết tố, một số ít bệnh nhân nam phát triển tuyến vú, cương dương. Nữ giới thì tắc rong kinh, rối loạn kinh nguyệt.

3. Có nên dùng thuốc bổ gan trong trường hợp bị gan nhiễm mỡ hay không?

Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc nào được FDA chấp thuận trong điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu do cơ chế bệnh sinh phức tạp. Liệu pháp đầu tay trong điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là giảm cân (tốt nhất là giảm 10% trọng lượng cơ thể) phối hợp với một chế độ ăn uống khoa học và rèn luyện thể dục hợp lý.

Việc sử dụng thảo dược và thực phẩm chức năng vì bất kỳ lý do gì có thể gây hại nhiều hơn lợi. Dữ liệu hiện có cho thấy rằng thực phẩm chức năng từ thảo dược là nguyên nhân gây ra 20% trường hợp tổn thương gan ở Hoa Kỳ. Đặc biệt, chiết xuất trà xanh được sử dụng khá nhiều trong các loại thuốc bổ gan được bán trên thị trường như một "chất đốt cháy chất béo" hay sản phẩm giảm cân có thể gây ra tổn thương gan chẳng hạn như viêm gan cấp tính.

Do vậy, nếu bạn muốn dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào được cho là thuốc bổ gan, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước để đảm bảo sản phẩm đó là cần thiết và an toàn cho bạn, trong đó không tương tác bất lợi với các thuốc đang dùng (nếu có).

photo-1654958627927

Cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi dung thuốc bổ gan.

Một số hoạt chất đang được nghiên cứu có thể hữu ích trong bệnh gan nhiễm mỡ như:

3.1. Silymarin

Đây là hoạt chất chính tìm thấy trong cây kế sữa, thành phần thảo dược thường được sử dụng nhất trong thuốc bổ gan. Nghiên cứu gộp từ các dữ liệu lâm sàng cũng cho thấy silymarin có thể giúp giảm đáng kể men gan (AST và ALT) ở các bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ không do rượu. 

Nhìn chung, silymarin có chức năng ngăn chặn NAFLD thông qua ba cơ chế chính: Cải thiện quá trình chuyển hóa lipid, ức chế viêm và tăng cường hoạt động chống oxy hóa.

3.2. Choline

Đây là chất cần thiết trong việc sản xuất các phosphatidylcholine - một thành phần thiết yếu của hạt VLDL – loại vật chất cơ thể chúng ta cần để đào thải mỡ ra khỏi gan. Nếu cơ thể không có đủ choline, gan của bạn không thể đào thải được mỡ gan. Thay vì đó, nó bắt đầu tích tụ mỡ trong gan và dẫn tới gan nhiễm mỡ.

3.3. Methionine

Đây là một loại acid amin cần thiết của cơ thể cung cấp methyl để tạo thành choline. Chúng có tác dụng trong việc thúc đẩy quá trình hòa tan mỡ ở trong gan, bảo vệ gan và giải độc. Tác dụng tiêu mỡ của methionine được thực hiện gián tiếp thông qua choline, vì vậy tác dụng của chúng khoảng 10-20% so với choline.

3.4. Các vitamin

Vitamin tan trong dầu như vitamin A, D và E được tìm thấy nhiều trong phủ tạng động vật, cá biển và các sản phẩm từ sữa. Các vitamin tan trong dầu đống vai trò quan trọng trong quá trình điều hòa miễn dịch, kiểm soát cân bằng oxy hóa khử và điều chỉnh sự phân hóa mô. 

Ngoài ra, chúng còn có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và chống xơ hóa cần thiết trong chiến lược điều trị hiệu quả bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu/ viêm gan nhiễm mỡ không do rượu

Riêng vitamin E còn có thể ngăn chặn mỡ biến tính trong tế bào gan và khả năng hoại tử gan, ngăn ngừa khả năng phát sinh thành tổ chức xơ.

Vitamin tan trong nước như các vitamin nhóm B, vitamin C giúp ngăn chặn quá trình oxy hóa LDL; đóng vai trò là đồng yếu tố trong quá trình sinh tổng hợp enzym của collagen, carnitine và norepinephrine; và thực hiện các chức năng cần thiết trong các quá trình cản trở sự tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc bổ gan

- Thời điểm dùng thuốc: Các thuốc bổ gan chỉ dùng để hỗ trợ gan trong việc cải thiện gan bị tổn thương, rối loạn chức năng, không thể thay thế thuốc đặc trị. Thời điểm thuận lợi nhất dùng là sau khi tình trạng bệnh gan đã ổn định hoặc đã tương đối ổn định.

- Liều dùng hợp lý: Phần lớn các thuốc bổ gan đều có thành phần có nguồn gốc từ thiên nhiên nên khá lành tính. Tuy nhiên, người bệnh không nên lạm dụng quá mức thuốc bổ gan vì có thể gây phản tác dụng; cần dùng thuốc theo đúng liều lượng khuyến cáo trên bao bì hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

- Liệu trình sử dụng thuốc: Đa số các thuốc bổ gan phát huy tác dụng sau 1 tháng kể từ khi bắt đầu uống. Người bệnh cần kiên trì sử dụng thuốc trong suốt quá trình điều trị. Thời gian dùng thuốc giải độc gan dài hay ngắn phụ thuộc vào mức độ đáp ứng thuốc của mỗi người.

- Một quan niệm sai lầm khác: Người bệnh hay 'thần thánh' hóa công dụng của thuốc bổ gan, do đó, không chịu thay đổi lối sống (giảm cân, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ đặc biệt là các chất béo bão hòa, hạn chế uống rượu bia, rèn luyện thể dục thể thao,…) khiến tình trạng gan nhiễm mỡ không cải thiện mà còn có thể trầm trọng hơn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

7 lợi ích của vitamin C

DS. Phạm Quỳnh Như
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn