Nguyên nhân gây đau nhói đầu
Đau nhói ở đầu là một trong các tình trạng đau đầu thường gặp hiện nay. Biểu hiện này thường gặp ở người trưởng thành, diễn ra thường xuyên và khó xác định nguyên nhân bệnh.
Tùy vào bệnh lý mà cơn đau đầu xuất phát bởi các nguyên nhân khác nhau. Có thể xuất phát từ căng thẳng trong công việc, thay đổi thời tiết hay bất thường trong dẫn truyền máu não.
- Do yếu tố tâm lý: căng thẳng, stress từ công việc hoặc các vấn đề cá nhân. Tâm lý bất ổn, rơi vào trạng thái thiếu tập trung, mệt mỏi hay tình trạng thay đổi nội tiết là vấn đề thường gặp của đau nhói đầu.
- Do tác động môi trường và chế độ sinh hoạt: Thay đổi môi trường sống, thay đổi thời tiết, chế độ sinh hoạt không hợp lý, thường xuyên mất ngủ cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh.
- Do các chấn thương: Các chấn thương do va chạm trước đó cũng có thể gây tổn hại đến các mô, cơ, dây thần kinh ở đầu. Nếu không được chẩn đoán và điều trị triệt để sau chấn thương cũng mang đến biến chứng gây đau nhói đầu.
- Do các bệnh lý thần kinh, mạch máu não: Bên cạnh các nguyên nhân có tác động từ bên ngoài thì một số bệnh lý về tim mạch, thần kinh cũng có thể gây nên chứng đau nhói đầu. Hoặc xuất phát từ các tình trạng thiếu máu não, bất thường trong dẫn truyền máu.
Biểu hiện của cơn đau cảnh báo nguy hiểm
Tình trạng đau nhói vùng đầu ở mỗi người sẽ có biểu hiện khác nhau, với nhiều nguyên nhân từ các tác động trong sinh hoạt hằng ngày hoặc bệnh lý. Được biểu hiện như:
- Đau một bên đầu
- Đau đầu kéo dài, theo từng cơn
- Đau nhói theo cơn, có cảm giác dây thần kinh giật giật dưới da
- Đau nhức khi nhai nuốt thức ăn
- Đau vùng thái dương lan rộng mang tai ra sau gáy
- Cơn đau xuất hiện thường xuyên liên tục trong nhiều ngày
Các biểu hiện của bệnh ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm việc của người bệnh. Tình trạng kéo dài có thể dẫn đến mệt mỏi, suy nhược, giảm hiệu quả làm việc do thiếu tập trung.
Bệnh có nguy hiểm?
Với những cơn đau nhói đầu, dữ dội từng cơn, cơn đau kéo dài trong vài phút hoặc đau âm ỉ có thể là bệnh lý nguy hiểm ở não. Tình trạng có thể đến từ các nguyên nhân như phình vỡ động mạch, dị dạng mạch máu não hoặc chèn ép bởi các khối u não. Ngoài ra, thiếu máu não cũng có thể gây nên đau nhói đầu kèm theo các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, khó thăng bằng, loạng choạng dễ té ngã.
Các cơn đau đầu có thể đến từ u não hay các biến chứng mạch máu não. Các tình huống trên đều là các bệnh nguy hiểm cần được phát hiện và xử trí kịp thời tránh nguy hiểm đến tính mạng và để lại di chứng. Nếu gặp các cơn đau dữ dội, không kiểm soát, hãy nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Lời khuyên của bác sĩ
Khi có triệu chứng bệnh có thể uống thuốc giảm đau thông thường, tuy nhiên nếu không đỡ hoặc thường xuyên mắc thì người bệnh cần được thăm khám và chẩn đoán sớm.
Để xác định, bác sĩ có thể yêu cầu hoặc đề nghị thực hiện các chẩn đoán hình ảnh như MRI, CT để tầm soát bệnh.
Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị theo mách bảo để tránh chữa sai bệnh gây nên các hệ lụy không đáng có.
Tóm lại: Đau đầu là bệnh lý thường gặp ở nhiều đối tượng khác nhau. Ngoài việc xác định cụ thể bệnh lý bởi bác sĩ chuyên môn, người bệnh cần thực hiện điều chỉnh chế độ sinh hoạt hàng ngày để phòng và điều trị giảm bớt bệnh.
Trong đó chú ý cần nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giờ, đúng giấc, hạn chế thức khuya. Để tinh thần thư giãn, thỏai mái, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi. Chế độ dinh dưỡng hợp lý với việc tăng cường rau củ quả, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Uống đủ nước 2 lít/ngày. Hạn chế các loại thực phẩm và thức uống như đồ cay nóng, rượu bia, các chất caffeine. Không hút thuốc lá.