Nhiều người khi bị đau đầu thường có thói quen sử dụng thuốc giảm đau, tuy nhiên người bệnh cần biết đây là thói quen không tốt. Để giảm cơn đau đầu, trước hết người bệnh cần xác định được nguyên nhân gây ra đau đầu là gì?
Nguyên nhân gây đau đầu được chia làm 2 nhóm chính:
- Nguyên phát: Là tình trạng đau đầu thường gặp chiếm tới 90%. Trường hợp đau đầu do nguyên phát không phải xuất phát từ nguyên nhân thực thể tác động hay do tổn thương ở cấu trúc não bộ.
Một số loại đau đầu nguyên phát thường gặp là: đau đầu khi ngủ, đau nửa đầu liên tục, đau nửa đầu Migranie, đau đầu do căng thẳng… - Thứ phát: Là tình trạng đau đầu do các bệnh lý nền như dị dạng mạch máu não, đột quỵ, u não, nhiễm trùng, bệnh nội tiết, bệnh tim, tăng huyết áp….
Trong trường hợp do nguyên nhân thứ phát diễn ra thường xuyên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Nếu gặp tình trạng đau đầu do căng thẳng, stress, gắng sức… người bệnh có thể thử một số phương pháp tại nhà dưới đây để giảm cơn đau đầu.
Nghỉ ngơi
Khi gặp tình trạng đau đầu do căng thẳng, sau gắng sức… người bệnh sẽ trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng, âm thanh. Người bệnh nên chọn nơi yên tĩnh, ánh sáng yếu để nằm nghỉ ngơi, thư giãn cơ thể. Lúc này cần tránh xa nơi có tiếng ồn lớn, ồn ào hoặc nơi ánh sáng quá mức, ánh sáng nhấp nháy… sẽ dễ khiến cơ thể người bệnh kích thích và cơn đau tăng lên.
Sau khi nằm nghỉ ngơi một thời gian, người bệnh nên kiểm tra lại huyết áp của mình xem có ổn định hay không.
Xông thảo dược giúp giảm đau đầu
Thảo dược có tác dụng làm giảm cơn đau đầu và đã được lưu truyền trong dân gian từ rất lâu. Khi bị đau đầu, người bệnh có thể xông lá, tinh dầu để khiến tinh thần và trí não dễ chịu hơn. Một số loại thảo dược hay được sử dụng là bưởi, trầu không…
Bấm huyệt
Trong y học cổ truyền phương pháp bấm huyệt có thể giúp giảm cơn đau đầu. Đây cũng là cách không cần dùng thuốc người bệnh có thể áp dụng tại nhà. Lực từ các ngón tay, bàn tay khi bấm huyệt sẽ tác động đến những huyệt cụ thể ở đầu giúp cơn đau thuyên giảm. Ngoài ra, việc bấm huyệt đúng cách còn giúp người bệnh cải thiện được các triệu chứng do đau đầu gây ra như chóng mặt, buồn nôn.
Bên cạnh những phương pháp trên, người bệnh còn có thể áp dụng một số cách phương pháp không dùng thuốc khác như: chườm nóng/chườm lạnh lên vùng đầu bị đau, ngồi thiền…
Nếu khi áp dụng các biện pháp trên nhưng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân. Hoặc trong một số trường hợp cơn đau đầu diễn ra bất thường, người bệnh cũng cần đến cơ sở y tế để thăm khám:
- Cơn đau tăng lên khi hoạt động mạnh, ho, hắt hơi…
- Đau đầu do bị chấn thương hoặc va đập vùng đầu
- Đau đầu kèm theo tình trạng chóng mặt, buồn nôn, co giật, sốt cao…
- Đau đầu xảy ra thường xuyên và kéo dài, đã sử dụng nhiều biện pháp nhưng không cải thiện.
Xem thêm video được quan tâm:
Thường xuyên đau đầu, hoa mắt, chóng mặt là dấu hiệu bệnh gì? Điều trị thế nào? I SKĐS