Bí đao trị phù nề, say nắng nóng

SKĐS - Bí đao từ lâu đã được biết đến như một “thần dược” giúp chị em có được vóc dáng thanh mảnh là làn da mịn màng bởi đặc tính thanh đạm của nó. Tuy nhiên, bí đao còn có nhiều công dụng với sức khỏe mà ít người biết đến.

Bí đao còn có tên đông qua, bí đá, bí xanh, bí phấn. Tên khoa học: Benincasa hispida Savi., thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae). Bộ phận dùng làm thuốc là thịt quả - đông qua; vỏ ngoài - đông qua bì; hạt bí - đông qua tử.

Về thành phần dinh dưỡng, quả bí đao có 1,5% protein; 8% đường; 15% cellulose; 1,1% tro (72mg% calci, 45mg% phosphor, 1,1mg% sắt); các sinh tố (0,04mg% caroten, 0,04mg% B1, 0,08mg% B2, 61mg% C, 1,1mg% PP).

Theo Đông y, đông qua vị ngọt, tính mát, vào phế, đại tràng, tiểu tràng và bàng quang; tác dụng lợi thủy tiêu thũng, thanh nhiệt giải độc; dùng cho các trường hợp cổ trướng phù nề, tiêu chảy mất nước, tiểu dắt buốt, mụn nhọt, trĩ, ngộ độc rượu, say nắng, say nóng, hen suyễn. Đông qua bì vị ngọt, tính hơi hàn; vào kinh tỳ, vị, tiểu trường và đại trường; tác dụng lợi niệu. Hạt bí đao có tác dụng kháng viêm, tiêu độc, trừ giun. Liều dùng cách dùng: 60-150g; bằng cách vắt ép nước, nấu, sắc.

Nước ép bí đao tốt cho người bị viêm đường tiết niệu, tiểu đục, tiểu ra máu...

Nước ép bí đao tốt cho người bị viêm đường tiết niệu, tiểu đục, tiểu ra máu...

Một số bài thuốc có bí đao

Bài 1: đông qua bì 125g, đậu đỏ 125g, nhân ý dĩ 63g, râu ngô 63g. Sắc uống. Trị phù thũng.

Bài 2: đông qua bì 63g, hoàng kỳ sống 63g. Sắc uống. Trị viêm thận mạn tính, phù thũng, đi tiểu ra albumin.

Bài 3: hạt bí sao vàng 40g, bồ công anh 40g, kim ngân hoa 40g, ý dĩ 40g, diếp cá 40g, rễ lau 20g, hạt đào 10g, cát cánh 10g, cam thảo 10g. Sắc uống. Trị ung nhọt ở phổi hoặc ở đại tràng.

Canh bí đao nấu đậu xanh thanh nhiệt giải độc, tốt cho người bệnh eczema mạn tính.

Canh bí đao nấu đậu xanh thanh nhiệt giải độc, tốt cho người bệnh eczema mạn tính.

Dược thiện có bí đao

Nước ép bí đao: bí đao gọt vỏ bỏ ruột, thái miếng, ép lấy nước hoặc luộc chín, ăn uống liên tục trong 3-5 ngày. Dùng tốt cho người bị viêm đường tiết niệu, tiểu đục, tiểu ra máu, trẻ em sốt cao khát nước.

Canh cá chép bí đao: bí đao 1kg, cá chép 1 con (500-700g). Bí gọt bỏ vỏ ngoài và ruột; cá làm sạch bỏ ruột, nấu canh, chia ăn 2-3 lần trong ngày, ăn khi còn nóng. Dùng tốt cho người bệnh viêm thận mạn tính.

Nước ép bí đao: bí đao gọt vỏ ngoài và ruột, ép lấy nước uống. Dùng cho người bị  ngộ độc cá.

Canh bí đao đậu xanh: bí đao 200g, đậu xanh 60g, đường trắng vừa đủ. Đậu xanh nấu canh, canh vừa chín cho bí đao (đã gọt vỏ bỏ ruột) vào nấu tiếp khoảng 30 phút, cho đường trắng và gia vị, khuấy đều. Ngày làm 1 lần, chia 2 lần ăn (sáng, chiều). Dùng tốt cho bệnh nhân eczema mạn tính.

Cháo bí đao ý dĩ đậu đỏ: đậu đỏ nhỏ hạt 60g, bí đao 100g, ý dĩ 60g. Đậu đỏ ngâm nước khoảng 4-6 giờ cho mềm, nấu cháo với ý dĩ; cháo chín cho bí đao (đã gọt vỏ bỏ ruột) vào, thêm chút đường và gia vị. Ngày làm 1 lần, chia 2 lần ăn (sáng, chiều). Dùng tốt cho bệnh nhân eczma, chàm, chốc.

Cá hấp vỏ bí: vỏ quả bí đao liều lượng vừa đủ, cá trắm 1 con. Cá làm sạch bỏ ruột, nhét vỏ quả bí vào bụng cá; hấp cách thủy, ăn. Tác dụng kích thích tiết sữa, dùng cho sản phụ sau đẻ ít sữa.

Canh ruột bí: ruột bí đao 50g, bỏ hạt phơi khô để sẵn. Khi dùng rửa sạch nấu với 200-300ml nước, đun khoảng 30 phút, gạn lấy nước uống thay trà. Dùng tốt cho người bị sốt nóng khát nước, phù nề, tiểu ít, tiểu khó, tiểu dắt.


BS. Tiểu Lan
Ý kiến của bạn