Hà Nội

Bị đái tháo đường thai kỳ do ăn khoai tây?

15-02-2016 08:07 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nhóm các nhà khoa học, đứng đầu là TS. Cuilin Zhang thuộc ngành dịch tễ học của Viện Y tế quốc gia Mỹ đã phân tích dữ liệu của 15.000 phụ nữ trong 10 năm, kết quả của nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ ăn từ 5 phần khoai tây

Nhóm các nhà khoa học, đứng đầu là TS. Cuilin Zhang thuộc ngành dịch tễ học của Viện Y tế quốc gia Mỹ đã phân tích dữ liệu của 15.000 phụ nữ trong 10 năm, kết quả của nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ ăn từ 5 phần khoai tây (1 phần tương đương 1 củ) trở lên trong 1 tuần trước khi mang thai sẽ có nguy cơ đái tháo đường thai kỳ cao hơn nhóm ăn ít khoai tây hơn. Kết quả của nghiên cứu cũng cho thấy nếu thay thế ăn khoai tây bằng các loại rau củ khác như đậu hoặc ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp giảm nguy cơ này.

Hiện tại, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc phân loại khoai tây thuộc nhóm thức ăn nào. Theo hướng dẫn chế độ ăn mới nhất của Hoa Kỳ thì khoai tây được phân vào nhóm rau, tuy nhiên hướng dẫn của Anh quốc lại phân khoai tây vào nhóm thức ăn tinh bột. Trong các hướng dẫn đó, khoai tây đều được xem là loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe do trong khoai tây có nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin C, kali, chất xơ và một số loại protein. Bên cạnh đó, tác hại của việc sử dụng lượng nhiều khoai tây cũng đã được nhắc đến trong nghiên cứu Nurses’ Health Study. Nghiên cứu này đã ghi nhận việc sử dụng nhiều khoai tây sẽ làm tăng nguy cơ bị ĐTĐ týp 2 và nguy cơ này đặc biệt tăng cao nếu khoai tây được sử dụng ở dạng chiên. Giả thuyết cho vấn đề này có thể do khoai tây có một lượng lớn tinh bột và tinh bột trong khoai tây được hấp thu nhanh, gây gia tăng nhanh chóng đường huyết.

Trong thời gian nghiên cứu, có tổng cộng 854 phụ nữ mắc phải tình trạng ĐTĐ thai kỳ. Kết quả của nghiên cứu được điều chỉnh với các yếu tố nguy cơ ĐTĐ như tuổi, chế độ ăn, chế độ tập thể dục, chỉ số khối cơ thể (BMI) và tiền sử gia đình có người bị ĐTĐ. Nguy cơ tương đối của bệnh lý ĐTĐ thai kỳ ở các nhóm đối tượng tăng dần với tỷ lệ ăn khoai tây. Các nhà khoa học cũng cho biết, sử dụng khoai tây chiên cũng làm tăng nguy cơ ĐTĐ thai kỳ, tuy nhiên, mối liên quan này không có ý nghĩa sau khi hiệu chỉnh BMI người phụ nữ trước khi mang thai.

Tuy nghiên cứu vẫn còn nhiều hạn chế như thiết kế của nghiên cứu chỉ là nghiên cứu quan sát nên giá trị bằng chứng chưa được cao. Do vậy, trước khi xem khoai tây như một thức ăn có hại cần hạn chế, chúng ta cần chờ thêm nhiều bằng chứng mới, đặc biệt là những can thiệp lâm sàng hoặc các RCT để làm sáng tỏ hơn vấn đề này.


Nguyễn Khánh
Ý kiến của bạn