Bị cúm có nên uống kháng sinh?
BS. Đồng Phú Khiêm - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm mùa là bệnh do những chủng virus cúm vẫn đang lưu hành trong cộng đồng (phổ biến gần đây thường là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2), thường bùng phát thành các đợt dịch nhỏ lẻ, thỉnh thoảng có những đợt bùng phát trên quy mô lớn.
"Khi bị cúm, người dân không tự ý mua kháng sinh dùng bởi lẽ kháng sinh không có tác dụng với cúm mà có nhiều tác hại trong trường hợp này" – BS. Khiêm nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ, cúm A là bệnh do virus gây ra nên thuốc kháng sinh không những không có tác dụng đào thải virus gây bệnh mà còn có thể gây ra nhiều tác dụng xấu đến sức khỏe, thậm chí gây ra tình trạng kháng kháng sinh.
![Bị cúm có uống kháng sinh không, dùng thuốc kháng virus khi nào?- Ảnh 2. Bị cúm có uống kháng sinh không, dùng thuốc kháng virus khi nào?- Ảnh 2.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/thumb_w/640/324455921873985536/2025/2/7/base64-17388959554811449982419.jpeg)
Bệnh nhân điều trị cúm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Khi nào nên dùng thuốc kháng virus trị cúm?
Ngoài việc không nên tự ý dùng kháng sinh trong điều trị cúm, BS. Khiêm cũng khuyến cáo người dân không tự ý mua thuốc kháng virus uống để điều trị cúm. Việc tự mua thuốc kháng virus uống gây tốn kém không cần thiết, có thể làm khan hiếm thuốc gây khó khăn cho người có chỉ định cần, hoặc gia tăng đề kháng thuốc.
"Thuốc kháng virus chỉ có lợi những người có nguy cơ nhiễm cúm nặng, những người có biểu hiện nhiễm cúm nặng. Những người có bệnh lý nền cần hết sức lưu ý, khi có biểu hiện SÔT, ĐAU RÁT HỌNG, HẮT HƠI, SỔ MŨI nên được đi khám sàng lọc cúm để được bác sĩ đánh giá, cân nhắc cho dùng thuốc kháng virus cúm sớm giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm cúm nặng" – BS. Khiêm nói.
Cũng theo chuyên gia Hồi sức tích cực, cúm mùa có thể nói có độc lực thấp nên thường chỉ gây bệnh cảnh cúm nặng ở những người có yếu tố nguy cơ cao (như người già > 65 tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai 3 tháng cuối, người có bệnh lý nền hô hấp, tim mạch, suy giảm miễn dịch...). Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang lo lắng về cúm mùa, nhưng cũng không nên chủ quan, đặc biệt là với nhóm có nguy cơ nhiễm cúm nặng.
Biểu hiện cúm rất khó phân biệt với các biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các căn nguyên khác, nhưng việc chẩn đoán được sớm, dùng thuốc kháng virus phù hợp có thể ngăn ngừa nguy cơ nhiễm nặng, thậm chí ngăn ngừa tử vong cho nhiều người.
"Nên tiêm phòng ngừa cúm hàng năm đặc biệt là người có tuổi, có bệnh nền tim mạch, hô hấp, tiểu đường, xơ gan, suy giảm miễn dịch..." – BS. Khiêm tư vấn phòng bệnh cúm hiệu quả.
Xem thêm Những điều cần biết về cúm mùa:
![Bị cúm có uống kháng sinh không, dùng thuốc kháng virus khi nào?- Ảnh 3. Bị cúm có uống kháng sinh không, dùng thuốc kháng virus khi nào?- Ảnh 3.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/thumb_w/640/324455921873985536/2025/2/7/476276146277857585232650796438-17388957323391889371216.jpg)