Bị chuột rút khi ngủ chữa thế nào?

SKĐS - Chuột rút khi ngủ xảy ra ở bắp chân là khá phổ biến. Thả lỏng cơ thể, xoa bóp, bấm huyệt giúp lưu thông tuần hoàn máu chi tốt có thể giảm bớt tình trạng này.

Bị chuột rút nguy hiểm thế nào?

Triệu chứng chủ yếu là cẳng chân duỗi đơ với các ngón chân quắp xuống. Thời gian bị chuột rút thường chỉ thoáng qua vài giây nhưng có khi kéo dài đến nửa tiếng, thậm chí một tiếng.

Tình trạng này có thể làm xáo trộn giấc ngủ. Trong một số trường hợp, hiện tượng chuột rút liên tục và ngoài ý muốn chủ quan, gây mất khả năng cử động có thể đe dọa đến tính mạng như khi đang bơi lội, điều khiển máy móc...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chuột rút nhưng thông thường là do làm việc quá sức, do chấn thương; bị kích thích do lạnh, phụ nữ có thai, người cao tuổi thiếu can xi hoặc do tác dụng phụ của thuốc.

photo-1697819926464

Huyệt thừa sơn phòng trị chuột rút

2. Chữa bị chuột rút khi ngủ, phòng ngừa thế nào?

Khi bị chuột rút, hãy bình tĩnh ngồi dậy, dùng hai lòng bàn tay đặt lên cơ bắp chân rồi xoa xát nhẹ nhàng trong 1 phút. Chú ý không được dùng lực quá mạnh. Tiếp đó, dùng ngón tay cái day bấm hai huyệt Thừa sơn và Thừa cân với một lực từ nhẹ đến mạnh. Mỗi huyệt 1 phút, rồi dùng gốc bàn tay ấn vào cơ bắp chân trong 2 phút. 

- Vị trí huyệt Thừa sơn: Ở dưới bắp chân, chỗ hõm của khe hai bắp thịt. Hiện nay thường lấy ở đỉnh của góc tạo nên bởi đầu dưới phần thịt của hai cơ sinh đôi ngoài và trong, chỗ tiếp giáp nhau ở sau bắp cẳng chân (kiễng bàn chân góc sẽ hiện rõ). 

Tác dụng của huyệt thừa sơn: Thư cân, lương huyết, thông kinh lạc, phòng trị chuột rút, đau thần kinh toạ, chi dưới liệt, đau gót chân.

- Vị trí huyệt Thừa cân: Từ điểm giữa nếp nhăn ngang kheo chân đo thẳng xuống 2 thốn, rồi từ đây nối với huyệt Thừa sơn, điểm giữa của đoạn nối này là vị trí huyệt Thừa cân.

Tác dụng của huyệt thừa cân: Thư cân, hoạt lạc, phòng trị chuột rút, chân đau, nhức mỏi vai gáy, đau thắt lưng, liệt chi dưới.

photo-1697819928714

Huyệt thừa cân phòng trị chân đau, chuột rút.

Cuối cùng, dùng hai bàn tay ôm lấy bắp chân rồi lăn qua lăn lại từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên trong 2 phút, giúp lưu thông tuần hoàn máu chi, giãn cơ tốt, giảm đau hiệu quả.

Để phòng ngừa chuột rút ban đêm nên chú ý uống đủ nước và ăn đủ muối khoáng, nhất là khi bị mất mồ hôi nhiều. Trước khi đi ngủ nên dùng dầu nóng xoa bóp cẳng và bàn chân hoặc ngâm chân bằng nước muối nóng. 

Khi ngủ không được để chân bị lạnh. Nếu bị chuột rút liên tục cần đi khám tại các cơ sở y tế để xác định rõ nguyên nhân và tiến hành điều trị triệt để.

Mời bạn xem thêm video:

Phát hiện ung thư tiền liệt tuyến sau trục trặc khi quan hệ vợ chồng | SKĐS

ThS Hoàng Khánh Toàn
Ý kiến của bạn