Bị chó cắn từ năm 2022, một trường hợp nghi mắc bệnh dại

27-09-2023 05:43 | Camera bệnh viện

SKĐS - Nguồn tin của Báo Sức khỏe & Đời sống từ Bắc Kạn cho biết, BVĐK tỉnh Bắc Kạn đang điều trị một trường hợp nam giới nghi mắc bệnh dại.

Qua khai thác dịch tễ, bệnh nhân là nam giới, 27 tuổi, quê ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Bệnh nhân này đã từng bị chó cắn từ năm 2022, nhưng không tiêm phòng dại. Ngày 25/9/2023, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sốt, lo lắng, sợ nước, sợ ánh sáng, sau đó vào viện khám.

Bị chó cắn từ năm 2022, 1 trường hợp nghi mắc bệnh dại - Ảnh 1.

Tiêm phòng chủ động cho chó là biện pháp phòng ngừa bệnh dại. Ảnh minh họa.

Bệnh nhân hiện đang điều trị tại BVĐK tỉnh Bắc Kạn, được lấy mẫu xét nghiệm và gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Theo các bác sĩ, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực Châu Á và Châu Phi.

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi, với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh dại thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam. 

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).

Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Tiêm vaccine dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng như chó sói, chó rừng, chó nhà, mèo, chồn, cầy, cáo và động vật có vú khác. Ở Việt Nam, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu.

Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Thời kỳ lây truyền ở chó nhà là từ 3 - 7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh. 

Ở người, virus đào thải qua các chất tiết (nước bọt, nước mắt, nước tiểu…) của người bệnh trong suốt thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, khả năng lây truyền từ người sang người là vô cùng hiếm gặp.

Hai trẻ phát bệnh dại nguy kịch, cha mẹ cần biết những điều này để cứu conHai trẻ phát bệnh dại nguy kịch, cha mẹ cần biết những điều này để cứu con

SKĐS - Bé trai 8 tuổi (ở Gia Lai) và bé trai 13 tuổi (ở Đắk Nông) khởi phát bệnh dại, nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) trong tình trạng nguy kịch. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về bệnh dại lây từ động vật sang người thông qua chất tiết, thường là nước bọt.


Thanh Hà
Ý kiến của bạn