VKS cho rằng Công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân
LS Nguyễn Danh Huế, bảo vệ cho BVĐK tỉnh Hòa Bình cho rằng, BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn có ký hợp đồng sữa chữa hệ thống RO số 2, số tiền gần 100 triệu. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng, công ty Thiên Sơn đã chuyển nhượng thầu cho công ty Trâm Anh. “Việc chuyển nhượng này không được Thiên Sơn báo cáo cho BV, mà là ý kiến chủ quan của công ty. Bản thân ông Trương Quý Dương khi đó là giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng không hề biết về việc chuyển nhượng, trong kết luật điều tra đã nêu rõ”, LS Huế nói.
Cũng theo vị LS, từ khi xảy ra sự cố, BVĐK Hòa Bình bị thiệt hại rất nhiều, ảnh hưởng uy tín, danh dự của BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng như uy tín và danh dự cảu ngành y tế nói chung, hành vi chuyển nhượng thầu trái pháp luật cho đơn vị không đủ năng lực là công ty Trâm Anh do bị cáo Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc là nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa ngày 29/5/2017. Hơn nữa BVĐK tỉnh Hòa Bình luôn coi công ty Thiên Sơn là đối tác được BV ưu tiên, tin tưởng nhiều năm chứ không phải công ty Trâm Anh.
Yếu tố rất quan trọng là Công ty Thiên Sơn đã lựa chọn đối tác là Công ty Trâm Anh cụ thể là Bùi Mạnh Quốc có 13 năm hành nghề, có kinh nghiệm. Cho rằng Công ty Thiên Sơn đã lựa chọn nhưng không có đào tạo 1 cách bài bản, không đảm bảo các quy trình để đảm bảo an toàn cho người bệnh nhất là trong lĩnh vực đặc thù y tế. Nhất thiết phải đảm bảo an toàn trong quá trình sữa chữa đó chính là những cảnh báo trong khi sữa chữa chưa xong, bằng những hình ảnh, hay những cảnh báo bằng thông báo, luật sư Huế nói.
Mặt khác, LS đại diện cho BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết phía BV đồng ý với quan điểm của VKS là buộc công ty Thiên Sơn bồi thường, nhưng không đồng ý bồi thường liên đới, mà buộc Thiên Sơn buộc bồi thường hoàn toàn cho các gia đình nạn nhân vì đã vi phạm luật đấu thầu.
Bởi theo LS Toại (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BVĐK tỉnh Hòa Bình), số tổng số tiền mà BVĐK tỉnh Hòa Bình đã bồi thường cho bị hại là hơn 370 triệu đồng chứ không phải 290 triệu như cáo trạng đã nêu trước đó. Mặt khác, trong số 20 triệu đồng đã đưa cho gia đình nạn nhân thì 10 triệu là tiền thắp hương, 10 triệu còn lại nếu sau này phải bồi thường thì đó là tiền bồi thường. Đồng thời, vị LS cũng đề nghị HĐXX giải quyết luôn trong vụ án, vì đầy đủ căn cứ để giải quyết.
Đối đáp lại với quan điểm của luật sư, VKS cho biết, hợp đồng số 05 giữa Thiên Sơn và Trâm Anh được ký sau sự cố, VKS xác định bị cáo Quốc thực hiện theo tư cách của Thiên Sơn nên không đồng ý với ý kiến việc chuyển nhượng thầu trái pháp luật mà vị LS của BV đề cập. Do đó, VKS cho rằng 2 pháp nhân phải bồi thường trong vụ án là công ty Thiên Sơn và BVĐK Hòa Bình. Còn việc đề nghị công ty Thiên Sơn bồi thường hơn 2,4 tỷ đồng cho BVĐK Hòa Bình, VKS cho rằng phải làm rõ ở một vụ án khác. Tuy nhiên, VKS cho rằng do người nhà gia đình không chấp nhận, không xác thực vì BV chỉ nói là đưa hỗ trợ. Do đó, VKS không chấp nhận.
Liên quan đến vấn đề trên, HĐXX cho bị cáo Trương Quý Dương đứng lên trước bục khai báo để có ý kiến. Theo đó, bị cáo Dương cho biết, sau sự cố khi đó bị cáo với tư cách là giám đốc của BVĐK tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo hỗ trợ các nạn nhân, 10 triệu tiền thắp hương và 10 triệu tiền hỗ trợ. Do đó có khoản 20 triệu đồng là khoản tiền hỗ trợ đối với các nạn nhân và gia đình nạn nhân. Trong trường hợp, BV không đồng ý toàn bộ 20 triệu đồng là hỗ trợ mà chỉ có 10 triệu hỗ trợ, thì 10 triệu còn lại bị cáo sẽ bỏ tiền túi chi ra. “Nếu lãnh đạo đương nhiệm của BVĐK tỉnh Hòa Bình không đồng ý về việc hỗ trợ thì số tiền 10 triệu được coi là hỗ trợ bị cáo sẽ là người tự bỏ tiền túi ra”, bị cáo Trương Quý Dương nói.