Bị căng thẳng - dùng thuốc gì?

19-05-2020 15:57 | Thông tin dược học

SKĐS - Thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc làm ăn của tôi không mấy thuận lợi khiến tôi cảm thấy căng thẳng, hay bị đau đầu, mất ngủ, ăn không ngon miệng… Xin hỏi bác sĩ có phải tôi bị stress? Khi bị stress có thể uống thuốc gì? Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ.

Vũ Thị Linh (Hà Nam)

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến khắp thế giới, cuộc sống bị đảo lộn, kinh tế bị đình đốn và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của nhiều người.

Cần biết cách kiểm soát các căng thẳng trong cuộc sống.

Nhiều người cảm thấy rất căng thẳng trong đại dịch. Về mặt tích cực thì căng thẳng là một phần tất yếu của cuộc sống, nó giúp cho xã hội loài người tiến hóa. Nhưng với một số cá nhân, căng thẳng khiến họ bị đảo lộn cuộc sống. Nghĩa là họ lo lắng quá mức, rất khó thư giãn, đau đầu, chóng mặt, đánh trống ngực, khó vào giấc ngủ, dễ mệt khí phải tập trung chú ý, dễ cáu, dễ khóc… Những triệu chứng trên thường kéo dài vài ngày rồi tự hết, chúng ta sẽ không cần bận tâm nhiều. Lúc đó, chỉ cần tập thở sâu và chậm khoảng chục lần là sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

Nhưng nếu các triệu chứng trên kéo dài nhiều tuần thì sẽ trở thành vấn đề thực sự về mặt sức khỏe. Đó có thể là các triệu chứng của rối loạn trầm cảm, lo âu lan tỏa mà khởi đầu bằng căng thẳng (yếu tố thuận lợi cho bệnh khởi phát). Một số thuốc giải lo âu (thuốc bình thần) có thể giúp bệnh nhân giảm căng thẳng nhanh chóng và hiệu quả như bromazepam, clonazepam, alprazolam. Các thuốc này giảm lo âu, căng thẳng rất tốt, nhưng không nên dùng thuốc quá 3 ngày nếu không có ý kiến của bác sĩ.  Ngoài ra, các thuốc như etifoxine chlorhydrate  (stresam), tofisopam (grandaxin)  là các thuốc chữa căng thẳng, lo âu có thể dùng lâu dài nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Vì vậy, tốt nhất nếu sau vài ngày thư giãn, tập thở như đã nêu mà các triệu chứng căng thẳng không thuyên giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn, khám và điều trị hiệu quả.


PGS.TS. Bùi Quang Huy
Ý kiến của bạn