Ngô Thúy Hằng (Hà Nam)
Cảm cúm thông thường là do nhiễm virus đường hô hấp trên gây ra. Đối tượng dễ mắc cảm cúm là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, những người có miễn dịch kém cũng dễ bị cảm cúm. Bệnh xảy ra quanh năm song tần suất bệnh cao nhất trong khoảng thời gian từ đầu mùa thu đến cuối mùa xuân, đặc biệt khi nồm ẩm kéo dài.
Các dạng thuốc tân dược trị cảm, cúm thường có thành phần chủ yếu gồm: Hạ sốt giảm đau (paracetamol), chất chống dị ứng, viêm mũi (gồm kháng histamin H1 như loratadin, chlopheniramin maleat...), chất có tác dụng co mạch giúp chống nghẹt mũi, viêm mũi như: phenylpropanolamine, pseudoephedrin hoặc phenylephrine; chất giúp giảm ho như: dextromethorphan hay codein. Hiện nay, trên thị trường có hàng trăm loại biệt dược, là sự kết hợp hoặc đơn chất khác nhau của các thành phần nêu trên.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý các thuốc này chỉ giúp giảm triệu chứng mà không có tác dụng loại trừ nguyên nhân hay rút ngắn thời gian mắc bệnh. Ngoài ra, các thuốc cảm cúm có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nếu không được sử dụng đúng cách.
Bạn lựa chọn thuốc nào cũng phải uống từ 3-5 ngày mới đỡ, không có thuốc cảm cúm nào uống vào khỏi ngay. Vì vậy, bạn cần tuân thủ các quy định dùng thuốc của nhà sản xuất, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, uống đúng giờ quy định. Tuyệt đối không tự ý tăng liều với mong muốn nhanh khỏi bệnh, điều này là vô cùng nguy hại vì có thể dẫn đến ngộ độc thuốc và các tác dụng phụ nghiêm trọng cho cơ thể. Nếu các triệu chứng của cảm cúm kéo dài, bạn cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế để có hướng xử trí đúng đắn.
Bạn cũng cần nhớ lối sống lành mạnh và ý thức xây dựng một sức đề kháng tốt mới là chìa khóa giúp bạn có được một cơ thể khỏe mạnh và chiến thắng được bệnh tật.
Chúc bạn mau lành bệnh.
BS. Nguyễn Văn Tiến