1. Vai trò quan trọng của i-ốt
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, i-ốt là một vi chất tự nhiên, là nguyên liệu tham gia vào quá trình tổng hợp thyroxin là một hormone tuyến giáp. Hormone thyroxin cần thiết cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em và giúp điều hòa chuyển hóa năng lượng.
Khi thiếu i-ốt, việc sản xuất thyroxin bị giảm sút, tuyến giáp phải hoạt động bù dưới sự kích thích của hormone tuyến yên nên phì to dần.
Nếu thiếu i-ốt quá trầm trọng thì có thể gây thiểu năng tuyến giáp. Vấn đề nghiêm trọng nhất của thiếu i-ốt là ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Thiếu i-ốt có thể gây khiếm khuyết trí não cho trẻ em. Chế độ ăn của người mẹ nghèo i-ốt trong thời gian có thai sẽ ảnh hưởng tới năng lực trí tuệ của đứa con sau này. Ở những vùng có tỷ lệ bướu cổ cao, ngoài một số trẻ bị thiểu năng trí tuệ do thiếu i-ốt còn có trẻ có khả năng phát triển trí tuệ kém.
Bên cạnh khuyến nghị sử dụng muối i-ốt là biện pháp hữu hiệu nhất phòng chống thiếu i-ốt của Viện Dinh dưỡng, người bệnh bướu cổ cần chú ý tới những thực phẩm có lợi và bất lợi cho tình trạng bệnh lý của mình.
2. Những thực phẩm người mắc bệnh bướu cổ nên tiêu thụ
Hải sản giàu i-ốt
Một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh bướu cổ là sự thiếu hụt lượng i-ốt cần thiết. I-ốt là nguyên liệu chính để sản xuất hormone tuyến giáp. Khi cơ thể thiếu i-ốt, tuyến giáp sẽ hoạt động nhiều hơn để tổng hợp nội tiết tố giáp trạng, làm phình tuyến giáp và dẫn đến bướu cổ.
Bệnh bướu cổ thường đi kèm với tình trạng thiếu i-ốt hoặc thừa i-ốt. Bướu cổ sẽ đè nén khi quản, thực quản gây ra tình trạng khó thở, khó nuốt cho người bệnh. Vì vậy, việc cung cấp i-ốt hàng ngày cho cơ thể là điều vô cùng quan trọng.
Chế độ ăn giúp cân bằng lượng i-ốt cần thiết cho tuyến giáp hoạt động bình thường. Hải sản là loại thực phẩm cung cấp i-ốt tự nhiên rất tuyệt vời. Các loại hải sản như tôm, cua, ngao. sò, hến,... vừa chế biến thành nhiều món ăn ngon và cũng là nguồn cung i-ốt dồi dào.
Theo TS.BS Bùi Khắc Hậu, Đại học Y Hà Nội, cần đảm bảo cung cấp đầy đủ iod cho cơ thể bằng cách ăn các thức ăn giàu i-ốt như cá biển. Sử dụng muối i-ốt trong các chế biến thức ăn hàng ngày là cách đơn giản dễ thực hiện để làm giảm nguy cơ thiếu i-ốt.
Cá biển
Vitamin A là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng đối với người bệnh bướu cổ. Thiếu Vitamin A sẽ làm chức năng tổng hợp hormone ở tuyến giáp bị rối loạn, lâu dài sẽ gây ra bệnh bướu cổ. Cá biển là một trong những nguồn cung cấp vitamin A phong phú.
Rau củ quả
Rau củ quả luôn là nhóm thực phẩm có lợi cho sức khỏe vì không những giàu vitamin mà còn giàu chất xơ, ít chất béo. Đây cũng là một nguồn cung cấp vitamin A an toàn và không gây ra tác dụng phụ.
Sữa chua
Các loại sữa chua thường chứa một hàm lượng lớn thành phần canxi và i-ốt. Trong khi đó bệnh nhân mắc bệnh bướu cổ rất cần bổ sung i-ốt để ngăn tình tuyến giáp bị phì đại thêm.
Bên cạnh đó, sữa chua còn tốt cho hệ tiêu hóa, giúp kích thích cảm giác thèm ăn. Để sữa chua phát huy tác dụng tốt hơn, nên dùng vào bữa trưa và buổi tối. Người bệnh bướu cổ có thể lựa chọn nhiều loại sản phẩm làm từ sữa chua khác nhau như phomai, sữa chua, kem... những món ăn này vừa ngon vừa bổ dưỡng.
Khoai tây tốt cho người bướu cổ
Ít người biết rằng khoai tây là một trong những loại rau củ chứa nhiều i-ốt nhất. Trong khoai tây có chứa lượng lớn i-ốt và để tận dụng được hết chất này nên ăn cả vỏ. Người bệnh có thể làm các món ăn khác nhau từ khoai tây như chiên, xào nấu tùy sở thích của mình. Để mang đến kết quả tốt nhất, người bệnh bướu cổ cần ăn khoảng 300g khoai tây mỗi ngày.
Rong biển
Rong biển là thực phẩm có nguồn gốc từ biển chứa nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe con người như i-ốt, acid alginic, alginat, chất béo, chất đường, canxi, phốt pho,... Trong Đông y, rong biển được sử dụng như một phương thuốc quý có tác dụng tiêu đơn, lợi thủy, làm mềm khối u rắn, tiết nhiệt... Nên chúng hoàn toàn phù hợp với những bệnh nhân mắc bướu cổ.
Rong biển có vai trò rất quan trọng trong việc bổ sung i-ốt cho tuyến giáp và hỗ trợ điều trị các bệnh tuyến giáp. Loại thực phẩm từ biển này giúp điều hòa hormon tuyến giáp và tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
3. Những thực phẩm nên kiêng khi mắc bệnh bướu cổ
3.1. Người bệnh bướu cổ nên hạn chế ăn rau họ cải
Các loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ, cải ngọt, cải xoăn, củ cải, cải , bắp cải có chứa các hợp chất lưu huỳnh được gọi là glucosinolate. Khi các hợp chất này bị phá vỡ sẽ sinh ra isothiocyanates. Isothiocyanates lấy đi i-ốt mà tuyến giáp cần, đồng thời ngăn chặn sự hấp thụ i-ốt của tuyến giáp. Đặc biệt, trong bắp cải trắng còn chứa goitrin - hợp chất gây bất lợi cho bệnh bướu cổ.
3.2. Đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn
Những thực phẩm này thường chứa nhiều chất béo bão hòa, đường và muối, không tốt cho sức khỏe tổng thể và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bướu cổ.
3.3. Các loại hạt có hàm lượng acid phytic cao
Các loại hạt điều, hạt óc chó, hạt bí... có thể làm giảm khả năng hấp thu i-ốt của cơ thể, vì vậy người mắc bệnh bướu cổ nên hạn chế tối đa việc tiêu thụ những loại hạt này.
Người bệnh bướu cổ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp nhất dựa trên tình trạng sức khỏe, độ tuổi và tình hình bệnh. Nhìn chung, một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng để đảm bảo sức khỏe tổng thể là cần thiết, giúp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh bướu cổ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Điều cần biêt khi gặp phải các bệnh lý về ung bướu có nguy cơ dẫn đến ung thư.