Bệnh nhân nhập viện Y học biển Việt Nam trong tình trạng bỏng nặng bỏng độ 4 diện tích 1%, bỏng độ 2,3 diện tích 12% vùng đầu mặt cổ và ngực, bỏng giác mạc độ 3, giác mạc bị phù nề mầu trắng đục, khả năng nhìn mờ dưới 0,5m, chảy dịch nhiều vùng bỏng, bệnh nhân cực kỳ đau rát.
Ngay sau khi bệnh nhân chuyển đến Viện Y học biển Việt Nam, bệnh nhân ngay lập tức được hội chẩn và quyết định cho điều trị ô xy cao áp cấp cứu theo phác đồ VINIMAM 1. Ngay sau khi điều trị một lần với phác đồ VINIMAM 1, bệnh nhân đã đỡ đau rát, dịch chảy ra từ vết bỏng đã giảm đi nhiều, bệnh nhân ngủ được.
Những ngày tiếp theo bệnh nhân tiếp tục được điều trị ô xy cao áp theo phác đồ VINIMAM 3 x 2 lần/ngày kết hợp thay băng, chăm sóc vết thương, rửa mắt, dùng kháng sinh phối hợp bệnh nhân đã có những tiến bộ rõ rệt từng ngày. Sau 10 ngày điều trị, bỏng độ 2,3 khô hoàn toàn, bỏng độ 4 lên tổ chức hạt tốt và bắt đầu lên da non, vết thương vùng mặt, cổ không bị co kéo. Giác mạc mắt đã trong dần trở lại, thị lực đã nhìn rõ vật có độ xa trên trên 2m, nề mi mắt còn nề nhẹ.
Bệnh nhân bị bỏng do nổ lò gang trước và sau khi điều trị (ảnh BVCC)
Các bác sĩ cho biết, đây là trường hợp bỏng nặng, điều trị thông thường hết sức khó khăn có thể để lại di chứng nghiêm trọng về thị lực và thẩm mỹ.Tuy nhiên, kết hợp điều trị bằng ô xy cao áp đã mang lại hiệu quả hết sức khả quan, nó rút ngắn được thời gian điều trị và giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình người bệnh.
Trước đó, cũng tại Viện y học Biển Việt Nam, các bác sĩ cũng đã cấp cứu và chữa trị thành công cho một bệnh nhân 31 tuổi vào viện vì bỏng lửa khi đang hàn cắt công nghiệp bằng bằng khí ô xy. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bỏng nhiệt độ I, II diện tích 15% đầu, mặt, cổ, cánh tay trái, bỏng da quanh mắt độ II, mất lông mi, lông mày, dị vật kết giác mạc mắt, trợt biểu mô giác mạc.
Bệnh nhân được xử trí xịt panthenol, giảm đau, lấy dị vật kết giác mạc và được chỉ định điều trị ôxy cao áp cấp cứu. Sau 1 ca điều trị oxy cao áp cấp cứu, vết bỏng của bệnh nhân đỡ đau, giảm thể tích phỏng nước và lượng dịch thoát ra từ vết bỏng, mắt mở được, giác mạc trong. Sau 1 tuần điều trị oxy cao áp kết hợp với ngoại khoa chăm sóc, vết bỏng vùng đầu, mặt, cổ, cánh tay trái, khô, đang liền tốt ,vết sẹo rất đẹp, không có tình trạng nhiễm trùng. Đáng nói là bệnh nhân không bị để lại sẹo trên mà mặt nhẵn nhụi.
Bệnh nhân trước và sau điều trị bỏng lửa do hàn cắt điện bằng khí oxy (ảnh BVCC)
GS.TS Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hội y học biển Việt Nam, đồng tác giả của phác đồ VINIMAM 1 cho biết, trong lâm sàng, ô xy cao áp cũng được ứng dụng trong nhiều điều trị như cấp cứu ngộ độc khí độc, đuối nước, ngạt do nguyên nhân nào đó dẫn đến hôn mê, các loại bệnh do động thực vật biển đốt hoặc chạm phải dưới nước.
Tuy nhiên, theo GS. Sơn, việc cấp cứu và điều trị các bệnh dưới nước, các tai biến do lặn biển ở nước ta hiện nay còn rất khó khăn do thiếu nhân lực và phương tiện chuyên dụng. Việc nghiên cứu ứng dụng chuyên ngành y học cao áp và ô xy cao áp trong lâm sàng để cấp cứu các ca tai biến lặn, những cấp cứu nội, ngoại khoa khác và điều trị nhiều loại bệnh lý nan y đang được triển khai tại một số cơ sở y tế biển và các bệnh viện đa khoa, phục hồi chức năng của nhiều tỉnh thành trong cả nước. Song do kiến thức khoa học chuyên ngành ô xy cao áp còn nhiều hạn chế nên hiệu quả chưa được mong đợi.
GS. Sơn cũng cho biết thêm, ứng dụng o xy cao áp trong lâm sàng các nước tiên tiến đã làm từ lâu, nhưng Việt Nam còn mới mẻ. Hiện nay một số bệnh viện phục hồi chức năng đã phát triển nhưng chưa được cập nhật đào tạo nên việc phát huy hiệu quả còn hạn chế.