Bị bệnh sùi mào gà - Đốt điện có hết không?

15-03-2022 15:33 | Bệnh lây truyền
google news

SKĐS - Sùi mào gà là bệnh lý do virus HPV gây nên gặp ở cả người lớn và cả trẻ nhỏ. Đốt sùi mào gà là một trong những phương pháp điều trị bệnh. Nhưng sử dụng phương pháp này có tiêu diệt được tận gốc virus HPV không?

Có nhiều người thắc mắc sử dụng phương pháp đốt điện có hết sùi mào gà không? 

Bị bệnh sùi mào gà – Đốt điện có hết không? - Ảnh 1.

Ths.BS Nguyễn Văn Đức – Khoa Thận -Tiết niệu và Nam khoa – BVĐK Xanh Pôn

 1. Con đường lây truyền của bệnh sùi mào gà 

Bệnh sùi mào gà do virus Human Papillomavirus (HPV) gây ra làm quá sản các tế bào trên cơ thể có thể là ở da, niêm mạc vùng sinh dục, tay, chân, miệng, mũi…

Những nghiên cứu cho rằng có hơn 100 type virus HPV gây bệnh, trong đó virus HPV type 1, 2, 3, 4 thường gây những mụn cóc ở da, type 6, 11, 16, 18 gây tổn thương ở hậu môn, sinh dục trong bệnh sùi mào gà.

Quan hệ tình dục không an toàn là một nguyên nhân chính làm lây nhiễm bệnh sùi mào gà ở nam giới. Quan hệ tình dục không an toàn qua đường miệng, đường âm đạo hay đường hậu môn cũng đều có nguy cơ cao khiến bệnh sùi mào gà lây nhiễm sang cho người khác.

Những hành động thân mật như ôm, hôn hoặc vô tình tiếp xúc với dịch mủ, vết thương hở, vết xước, máu của người mắc bệnh cũng dễ khiến virus HPV xâm nhập vào cơ thể gây bệnh sùi mào gà. Do đó, cần phải chú ý tránh không tiếp xúc với người khác khi bản thân có vết thương hở.

Ở phụ nữ trong thời gian mang thai mắc bệnh sùi mào gà cũng có nguy cơ cao lây nhiễm sang cho thai nhi. Thai nhi có thể bị nhiễm virus HPV khi còn trong bào thai. Virus HPV khi tấn công vào thai nhi sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với thai nhi.

Trẻ sơ sinh cũng bị lây nhiễm sùi mào gà nếu mẹ bị sùi mào gà lây truyền cho con trong quá trình sinh nở qua đường âm đạo (sinh thường).

Bệnh sùi mào gà lây nhiễm sang cho người khác nếu người đó sử dụng chung các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của người bệnh như khăn tắm, khăn mặt, bàn chải đánh răng, quần lót, dao cạo râu…

Ngoài các nguyên nhân trên, truyền hoặc nhận máu của người có mầm bệnh cũng dễ dàng khiến virus HPV tấn công sang cơ thể gây bệnh.

Bị bệnh sùi mào gà - Đốt điện có hết không? - Ảnh 3.

Hình ảnh virus HPV gây bệnh sùi mào gà.

2. Triệu chứng của bệnh sùi mào gà 

Ở giai đoạn đầu, khi virus HPV xâm nhập vào cơ thể, có thể bệnh nhân chủ quan không đi thăm khám bởi các tổn thương, dấu hiệu khá nhỏ. Sau khi bệnh tiến triển sang giai đoạn nghiêm trọng, người bệnh mới vội vàng đi thăm khám.

Người bệnh sau khi nhiễm virus HPV thường ủ bệnh trong 3-8 tuần và khoảng 1-3 tháng sau đó mới bắt đầu biểu hiện bệnh thành những triệu chứng như:

  • Xuất hiện các nốt sùi, u nhú nhỏ màu hồng, đỏ hoặc trắng, bề mặt xù xì, có đường kính từ 0,8 – 2mm, mềm, nhô cao có cuống mọc riêng lẻ.
  • Sau một thời gian, các nốt sùi phát triển liên kết với nhau tạo thành từng chùm, từng mảng rộng giống như cái súp lơ hoặc mào gà. Bề mặt các nốt sùi này đều khá ẩm ướt, mềm, mủn, giữa các nốt sùi ấn vào có giọt mủ, đặc biệt dễ chảy máu khi chạm vào.

Đối với nam giới, sùi mào gà xuất hiện ở những bộ phận sinh dục như bao quy đầu, rãnh quy đầu - bao quy đầu, lỗ tiểu, bìu, hậu môn. Đối với nữ, sùi mào gà xuất hiện ở âm đạo, thành sao âm đạo, túi cùng, cổ tử cung, hậu môn.

Khi các nốt sùi phát triển to, các nốt sùi mào gà dễ gây đau đớn, chảy máu kèm dịch tiết mùi hôi rất khó chịu nếu bị xây xước. Thậm chí ở một số trường hợp, các nốt sùi dễ gây viêm loét, mưng mủ gây ra nhiều phiền toái cho nam giới.

3. Các phương pháp điều trị bệnh sùi mào gà

Bệnh sùi mào gà nếu được phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác thì vẫn có thể áp dụng phương pháp điều trị nội khoa (sử dụng thuốc) đơn giản, an toàn và có hiệu quả cao, hạn chế những vấn đề tâm lý, bị bội nhiễm hay vô sinh, hoặc trầm trọng hơn là bệnh lý ung thư đối với người bệnh.

3.1 Điều trị nội khoa

Sử dụng thuốc chủ yếu áp dụng cho các trường hợp có nốt sùi nhỏ, chưa phát triển to. Hiện nay, thuốc điều trị sùi mào gà thường ở dạng bôi có tác dụng bôi trực tiếp vào những khu vực có ổ bệnh nhằm ngăn ngừa mầm bệnh phát triển và làm giảm các biểu hiện của bệnh.

Khi sử dụng thuốc điều trị sùi mào gà, nam giới cần tuân thủ việc dùng thuốc theo đúng chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý mua thuốc về chữa hoặc dùng thêm các loại thuốc điều trị khác khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.

Bị bệnh sùi mào gà – Đốt điện có hết không? - Ảnh 4.

Phương pháp đốt điện sùi mào gà

3.2 Phương pháp điều trị ngoại khoa

Nếu điều trị sùi mào gà bằng kháng sinh không đáp ứng hoặc những người mắc bệnh nặng thì đốt sùi mào gà vẫn là một chỉ định thường gặp nhất hiện nay.

Đốt sùi mào gà là phương pháp sử dụng dòng điện với tần sóng laser, chiếu trực tiếp vào những vùng tổn thương trên vùng da của bệnh nhân, mục đích là xâm nhập vào sâu bên trong vùng da đó để tiêu diệt virus HPV cũng như loại bỏ những tổn thương, u nhú đã hình thành.

Phương pháp đốt điện được các bác sĩ tiến hành trong thời gian khoảng 1 giờ, gây cảm giác đau cho bệnh nhân. Tùy vào mức độ bị sùi mào gà của bệnh nhân mà thời gian điều trị sùi mào gà đốt điện sẽ khác nhau, có thể rơi vào khoảng 3 lần đốt điện, mỗi lần cách nhau 2-3 tuần.

Sau khi thực hiện đốt điện, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, chăm sóc vết thương mỗi ngày sạch sẽ. Cần lưu ý giữ vết thương khô thoáng, tránh tiếp xúc và quan hệ tình dục khi vết thương chưa khỏi để hạn chế tình trạng nhiễm trùng. Khi có bất cứ dấu hiệu nào của nhiễm trùng như đau, sưng, rỉ dịch vết thương thì cần báo ngay với bác sĩ để có thể xử lý kịp thời.

4. Thực hiện phương pháp đốt sùi mào gà có triệt tiêu tận gốc virus HPV?

Trên thực tế, mặc dù phương pháp đốt điện sùi mào gà an toàn, có hiệu quả điều trị cao nhưng khả năng tái phát bệnh rất cao bởi đây chỉ là phương pháp tiêu diệt những tổn thương tạm thời trên da, không tiêu diệt được hết virus HPV trên da.

Cụ thể là sau khi áp dụng phương pháp đốt điện laser cho bệnh nhân sùi mào gà, virus HPV vẫn tồn tại trong cơ thể. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể kém sẽ là điều kiện thuận lợi cho virus HPV phát triển và khi đó, tổn thương sùi mào có thể tái phát.

Chính vì thế, để ngăn chặn bệnh sùi mào gà tái phát, người bệnh cần phải có một lối sống lành mạnh nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể bao gồm: Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, giữ gìn vệ sinh thân thể, tránh những tổn thương trầy xước da đặc biệt là những vùng dễ bị sùi mào gà, rửa tay sạch sẽ để tránh lây nhiễm bệnh cho bản thân và cho những người xung quanh.

Bên cạnh đó, việc quan hệ tình dục không lành mạnh cũng dẫn đến việc tái phát bệnh sau khi điều trị đốt điện sùi mào gà. Vì vậy, khi quan hệ tình dục phải dùng bao cao su để bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của virus HPV.

Sau khi áp dụng phương pháp đốt điện laser cho bệnh nhân sùi mào gà, những biến chứng như tổn thương mô lân cận, có cảm giác đau, có sẹo trên da do hiện tượng mất sắc tố tại chỗ gây mất thẩm mỹ cho bệnh nhân. Ngoài ra, vị trí thực hiện đốt sùi mào gà cũng có thể bị chảy dịch, cụ thể là dịch từ cơ quan sinh dục.

Nếu sau khi thực hiện phương pháp đốt sùi mào gà, bệnh nhân thấy bị ngứa thì cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và vệ sinh lại vùng da đã thực hiện đốt điện bởi đây có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm cơ quan sinh dục.

Người bệnh sùi mào gà lưu ý, phát hiện bệnh sớm. Khi thực hiện phương pháp đốt điện, nên thực hiện tại những cơ sở y tế uy tín để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm cho những người xung quanh.

Bệnh sùi mào gà phòng tránh được bằng cách tiêm vaccine phòng virus HPV cho những phụ nữ trong độ tuổi 9-26 tuổi, đề phòng nhiễm virus HPV cũng như mắc phải những bệnh lý nguy hiểm khác.

Mối liên quan giữa HPV và HIVMối liên quan giữa HPV và HIV

SKĐS - HPV và HIV là những virus khác nhau. Chúng không liên quan nhưng đều là những virus gây nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) và có một vài điểm tương đồng. Cả hai loại virus này có thể nằm im trong cơ thể trong nhiều năm mà không gây ra triệu chứng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

10 loại thực phẩm tốt cho phổi sau mắc COVID-19



Ths.BS Nguyễn Văn Đức
Khoa Thận -Tiết niệu và Nam khoa - BVĐK Xanh Pôn
Ý kiến của bạn