Triệu chứng của bệnh sởi
Virus sởi thường xâm nhập vào cơ thể của người bệnh thông qua các đường mũi, họng và cả đường mắt. Loại virus này sẽ được nhân lên ở hệ bạch huyết nơi xâm nhập và tại tế bào đường hô hấp trên, sau đó đi qua máu và phát bệnh.
Giai đoạn ủ bệnh: 7-21 ngày, trung bình 10 ngày.
- Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): 2-4 ngày. Người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc. Có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).
- Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2-5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
- Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.
Nếu mắc sởi khi nào thì khỏi?
Thông thường bệnh sởi sẽ ủ bệnh trong khoảng từ 8 – 11 ngày và khỏi bệnh chỉ sau tối thiểu 6 ngày khởi phát bệnh.
Tuy vậy, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh.
Ở thể thông thường, cơ thể bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu cơ bản: Sốt, nổi hạch, phát ban ngoài da và niêm mạc. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ sốt nhẹ khoảng trên 37 độ và kèm phát ban. Một số bệnh nhân bị phát ban dạng nốt xuất huyết thì thường có ở niêm mạc vòm miệng, niêm mạc mắt hay niêm mạc mũi.
Ở thể biến chứng: Thường thể này xuất hiện ở nam giới nhiều hơn.
- Biến chứng viêm đa khớp thường xảy ra vào ngày thứ 2 vì thế rất dễ nhầm với đợt thấp khớp dạng thấp nhưng chúng tự khỏi sau từ 15 – 30 ngày và không để lại di chứng.
- Biến chứng tử ban: Dấu hiệu cơ bản là cơ thể xuất hiện các nốt xuất huyết ở dưới da rồi để lại các vết thâm do hạ tiểu cầu. Thường trường hợp biến chứng này không dễ gặp. Bệnh sẽ tự khỏi sau từ 2 – 4 tuần.
- Biến chứng viêm não: Biến chứng này cũng rất hiếm gặp, bệnh sởi biến chứng viêm não thường xảy ra từ 2 – 4 ngày sau khi cơ thể nổi ban.
- Biến chứng viêm phổi: Biến chứng hay gặp với các bệnh nhân mắc bệnh sởi, trẻ xuất hiện những triệu chứng ho, khò khè, khó thở, suy hô hấp. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm tình trạng người bệnh rất nặng nề.
- Biến chứng viêm kết mạc mắt: Bệnh nhân mắc sởi sẽ có triệu chứng phát ban toàn thân, kết mạc mắt đỏ, biến chứng viêm kết mạc là 1 trong những biến chứng nguy hiểm, có khả năng gây hỏng giác mạc, kết mạc của bệnh nhân, làm giảm thị lực hoặc thậm chí gây mù lòa.
Lời khuyên phòng chống sởi
Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Chủ động thực hiện tiêm chủng vaccine, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi.
Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương.
Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine sởi cần được tiêm vaccine tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.
- Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.
- Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày.
- Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày.
- Cần nghỉ làm, nghỉ học khi mắc bệnh. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.
- Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Số ca mắc bệnh sởi tại TPHCM đang tăng liên tục từ tháng 5/2024 đến nay. Hiện đã có 16 quận, huyện có ca mắc sởi và 3 trẻ tử vong. Tại Đắk Lắk, theo số liệu thống kê của CDC tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 25 trường hợp mắc bệnh sởi.