Em bị áp-xe vú và đang điều trị bằng thuốc kháng sinh, liệu có khỏi hẳn được không? Trong thời gian này em có nên cho con bú không?
nguyen doi (xuantienbp14@gmail.com)
Áp-xe vú thường gặp ở những người đang nuôi con bú, có thể ở một bên hoặc cả hai bên. Nguyên nhân là do tắc tuyến sữa và do nhiễm khuẩn tuyến sữa. Khi bị áp-xe thì vú bên bị bệnh cương to, sờ nóng ấn đau, có sốt cao 39-40oC. Nếu phát hiện sớm, dùng các thuốc kháng sinh, chống viêm và vắt sữa giúp thông tia thì bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Trường hợp để muộn đã hóa mủ có thể phải trích áp-xe. Vì vậy, bạn nên đi khám để được tư vấn phương pháp điều trị tích cực. Tôi đã gặp những trường hợp áp-xe vú đến muộn trích ra hàng lít sữa đặc hóa mủ, sức khỏe người mẹ bị suy kiệt do sốt cao và đau đớn. Nên nhớ, áp-xe vú phần lớn do tắc tia sữa nên các bà mẹ cho con bú cần chú ý, nếu sữa ra nhiều trẻ bú không hết và thấy vú cương đau là phải vắt ngay cho rỗng tia. Những trường hợp cho con bú không đúng cách, hoặc trẻ mọc răng ngứa răng hay cắn đầu vú dễ gây nứt đầu vú và là nguyên nhân làm cho vi khuẩn xâm nhập tuyến vú và gây nhiễm khuẩn dẫn đến áp-xe. Để phòng tránh áp-xe vú, các bà mẹ cần giữ vệ sinh vú, khi bị nứt đầu vú phải ngừng cho trẻ bú và điều trị triệt để. Khi bị áp-xe vú, bà mẹ không nên cho trẻ bú bên vú bị áp-xe mà cần dùng dụng cụ hút sữa để hút sữa tắc và mủ. Vì nếu cho trẻ bú sẽ gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ. Còn bầu vú bên không bị áp-xe thì vẫn cho bú bình thường.
BS.Trần Kim Anh