Dấu chân hóa thạch cực kỳ hiếm gặp và luôn gây tò mò. Bằng cách tiết lộ về dáng vóc, văn hóa và khí hậu, những hóa thạch cổ đại này cho phép chúng ta “tiếp bước” tổ tiên theo đúng nghĩa đen. Với mỗi khám phá mới, chúng ta lại nhận ra còn rất nhiều bí ẩn cần làm sáng tỏ trong lịch sử loài người.
Dấu chân Laetoli
Năm 1976, nhà nhân chủng học Mary Leakey đã phát hiện ra những dấu chân người cổ xưa nhất thế giới. In hình trong lớp tro núi lửa ở Laetoli, Tanzania, những dấu chân có niên đại từ 3,6 triệu năm trước. Chúng được cho là dấu vết của Australopithecus afarensis, một loài vượn người cổ đại mà các hóa thạch được tìm thấy trong cùng lớp trầm tích. Một vụ phun trào núi lửa sau đó đã chôn vùi và bảo quản những dấu chân này. Ban đầu được cho là của một cặp đôi, giờ đây người ta đã phát hiện ra rằng các dấu chân thuộc về 4 cá thể khác nhau.
Những dấu chân này là những ví dụ sớm nhất của vượn người đi thẳng, một bước nhảy vọt trong sự tiến hóa. Bàn chân của A.afarensis giống với người hiện đại hơn loài vượn. Tuy nhiên, sải bước của họ ngắn hơn nhiều. Chân dài chưa phát triển trước sự xuất hiện của loài Homo erectus.
“Đường mòn ác quỷ”
Trên sườn phía Tây của ngọn núi lửa Roccamonfina, miền Nam nước Ý, người ta có thể tìm thấy “Đường mòn ác quỷ”. Những dấu chân tiền sử xuất hiện trong dòng dung nham có từ 385.000 - 325.000 năm trước. Ba cá thể đã đi trên bề mặt của ngọn núi lửa đang hoạt động. Họ không chỉ để lại dấu chân, mà đôi khi để lại cả những dấu tay khi phải bò xuống sườn núi dốc đứng.
Không ai chắc chắn về chủ nhân của những dấu chân này, nhưng những ứng cử viên có khả năng nhất là Homo erectus hoặc Homo heidelbergensis. Nhiều người nghi ngờ họ đang chạy trốn khỏi vụ phun trào của núi lửa. Những lắng đọng muối khoáng bị xáo trộn trong các dấu chân, tất cả đều dẫn xuống từ miệng núi lửa, càng ủng hộ giả thuyết về cuộc chạy trốn này.
Cá thể cao nhất trong số 3 cá thể là khoảng 150cm. Homo heidelbergensis là một loài vượn người to lớn, có chiều cao tới 180cm và nặng hơn 90kg. Một số người cho rằng điều này phản ánh hình thái giới tính, trong đó cá thể cái nhỏ hơn đáng kể so với cá thể đực.
Dấu chân Eva
Những dấu chân được tìm thấy vào năm 1997 trên một rẻo đất lẻ loi ở bờ biển phía Tây Nam Phi là dấu vết lâu đời nhất được biết đến của Homo sapiens. Chúng có niên đại 117.000 năm trước và được mệnh danh là “Những dấu chân của Eva”. Mọi điều về những dấu vết này đều hoàn toàn hiện đại.Thứ duy nhất thậm chí còn khiến người ta ngạc nhiên là cô ấy khá thấp theo tiêu chuẩn hiện đại: 140cm. Mặc dù có tầm vóc nhỏ, cô được tin là đã hoàn toàn trưởng thành. Cũng có vẻ là cô mang nặng, có lẽ là một con vật cưng hoặc thậm chí là một đứa trẻ.
Tất cả người hiện đại đều có nguồn gốc từ một nhóm nhỏ ở châu Phi từ 100.000 - 300.000 năm trước. Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã phỏng đoán rằng có một Eva di truyền - một phụ nữ là “mẹ của mọi người mẹ”. Tuy nhiên, cực kỳ khó có khả năng chủ nhân của những dấu chân này chính là Eva di truyền.
Dấu chân Happisburgh.
Dấu chân Happisburgh
Năm 2014, trên bờ biển Anh bị bão đánh tan hoang, các nhà khoa học tình cờ gặp những dấu chân người cổ xưa nhất bên ngoài châu Phi. Những dấu chân có độ tuổi 850.000 năm, già hơn nửa triệu năm so với dấu chân xưa nhất từng được biết đến trước đó ở châu Âu. 49 dấu vết cho thấy một nhóm cá thể nhiều độ tuổi đang tiến về phía Nam dọc theo nơi được tin rằng đã từng là cửa sông Thames.
Cơn bão đã để lộ ra những dấu chân. Chỉ trong thời gian ngắn, những con sóng đã xóa mờ chúng. Một sự trùng hợp khó tin là nhóm tìm thấy những dấu chân này đang làm việc ở một vị trí khác chỉ cách đó 180m.
Đoàn thợ săn Turkana
Năm 2009, các nhà nghiên cứu tìm thấy những dấu chân người trên bờ hồ Turkana của Kenya có niên đại 1,5 triệu năm trước. Chúng quá già để thuộc về người hiện đại và đã được quy cho Homo erectus. 22 dấu chân có giải phẫu hiện đại, với vòm bàn chân, gót tròn và ngón chân lớn thẳng hàng với nhau. Homo erectus được tin là họ người đầu tiên có chân dài và tay ngắn - thích nghi với dáng đứng thẳng hơn là leo trèo.
Sự hiện diện của nhiều dấu chân nam phản ánh sự hợp tác - nhiều khả năng là một đoàn thợ săn. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát dấu vết của các động vật khác trong khu vực và xác định rằng hồ nước được bao quanh bởi đồng cỏ. Động vật ăn cỏ di chuyển theo đường thẳng từ đồng cỏ đến hồ nước, trong khi con người di chuyển giống như động vật ăn thịt dọc theo bờ hồ. Hồ sơ khảo cổ học phản ánh sự bùng nổ của các công cụ bằng đá và xương có vết cắt sau sự xuất hiện của Homo erectus. Có thể họ ăn nhiều thịt hơn so với người hiện đại.
Dấu chân trên đảo Calvert
Những dấu chân trên đảo Calvert ở British Columbia, Canada có thể là dấu vết cổ xưa nhất ở Bắc Mỹ. Có từ 13.200 năm trước, những dấu chân này thuộc về ba cá thể được cho là cùng một gia đình. Nếu nhiều tuổi như dự đoán, đây cũng sẽ là bằng chứng sớm nhất của con người sống ở British Columbia. Việc nghiên cứu các dấu chân là cực kỳ khó khăn vì chúng nằm trong khu vực thủy triều, buộc các nhà khảo cổ phải làm việc rất khẩn trương.
Cần tiến hành thêm những xét nghiệm trước khi xác thực niên đại của chúng. Tài liệu gần nhất mới chỉ 2.000 năm tuổi. Tuy nhiên, trước đó việc xác định niên đại bằng đồng vị carbon đã được tiến hành trên chính vật liệu của dấu chân. Phát hiện bổ sung thêm bằng chứng cho thấy Bắc Mỹ được định cư đầu tiên dọc theo bờ Thái Bình Dương. Trước đây, các chuyên gia tin người tiền sử đã di chuyển xuống phía Nam thông qua hành lang không bị đóng băng phía Đông dãy núi Rocky. Hiện vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về các dâu chân và chủ nhân của chúng.