Từ hàng trăm năm nay, đã có nhiều kiến trúc sư, nhà nghiên cứu đến Khánh Hòa, tìm về tháp cổ Ponagar để nghiên cứu kiểu kiến trúc, cách xây dựng của tháp.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, tháp bà Ponagar tọa lạc trên đồi Cù Lao (Vĩnh Phước, Nha Trang). Khu di tích là quần thể công trình kiến trúc nghệ thuật của vương quốc Chăm Pa cổ, được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII. Nơi đây thờ nữ thần Ponagar – người Mẹ xứ sở của dân tộc Chăm, đến thế kỷ XVII được cộng đồng người Việt tiếp tục gìn giữ và thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Vật liệu xây dựng các công trình kiến trúc của tháp cổ là gạch nung nhưng không hề có hiện tượng rêu bám, các viên gạch liền mạch không để lộ chất kết dính, rất vững chãi. Điều này đã được các nhà khoa học lý giải nhiều cách khách nhau, tuy nhiên kỹ thuật nung gạch cũng như nghệ thuật xây dựng tháp cổ đến nay vẫn là điều bí ẩn.
Quần thể di tích tháp bà Ponagar hiện nay được phân bố trên 3 mặt bằng: Tháp cổng; kiến trúc Mandapa; khu đền tháp (có 4 tháp).
Đến với tháp bà Ponagar, người dân như được đắm mình trong không gian văn hóa – tâm linh độc đáo. Quần thể tháp cổ là biểu tượng của đoàn kết dân tộc, góp phần làm nên sự đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Với các nét độc đáo của mình, tháp cổ Ponagar được xếp hạng di tích quốc gia năm 1979, và lễ hội tháp bà Ponagar được tổ chức hàng năm được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cuốn hút bởi điệu múa, tiếng kèn người Chăm trên tháp cổ
Để tháp cổ Ponagar ngày càng trở nên ấn tượng với khách du lịch, nhiều năm qua, nhà nước đã quan tâm trùng tu, tôn tạo để bảo tồn di tích một cách bền vững.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phụ trách Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa (đơn vị quản lý tháp bà Ponagar) cho biết, đối với quần thể tháp cổ này có 2 mảng, mảng tôn tạo, bảo tồn thuộc về di tích tháp được thực hiện chặt chẽ theo Luật di sản. Còn với mảng tôn tạo khung cảnh, tạo không gian xanh – sạch, tạo tiểu cảnh thì được làm thường xuyên khiến cả khuôn viên tháp cổ trở nên hấp dẫn hơn.
Cũng theo ông Dũng, ở khuôn viên tháp Ponagar, nhiều năm nay còn đưa vào hoạt động đội văn nghệ người Chăm. Hàng ngày, những nghệ sĩ sẽ biểu diễn các điệu múa quạt, múa đội lu, múa đạp lửa, múa âm dương, múa Apsara trên nền nhạc truyền thống người Chăm để biểu đạt tình yêu đẹp của lứa đôi, tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, sự hăng say lao động…Những tiết mục văn nghệ này như một đặc sản hấp dẫn khách trong và ngoài nước đến với tháp cổ.
"Từ hơn 10 năm nay, hoạt động múa Chăm trên tháp bà Ponagar được duy trì xuyên suốt, mỗi năm chỉ nghỉ mấy ngày trong dịp Lễ ka-tê"- ông Nguyễn Tuấn Dũng cho biết.
Bên cạnh các điệu múa Chăm, tại tháp bà Ponagar còn có câu chuyện nhuốm màu truyền thuyết. Đó là tấm bia đá lớn do ông Phan Thanh Giản – Thượng thư Bộ Lễ (triều nhà Nguyễn) tạo lập năm 1856 kể về truyền thuyết Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Chuyện kể rằng, ngày xưa, tại núi Đai An có ông bà tiều phu, nhà ở gần chân núi, không có con, trồng dưa để sinh sống. Khi dưa chín thường bị hái trộm, ông canh và bắt gặp cô gái chừng chín, mười tuổi. Thương cô gái, ông bà tiều phu nhận làm con nuôi...
Sau này cô gái lấy một vị thái tử, nàng xưng là Thiên Y A Na, họ sống với nhau hạnh phúc bên hai người con… Nhưng một hôm, nàng nhớ quê hương liền cùng hai con nhập vào khúc gỗ kỳ nam, xuôi theo biển đến cửa Cù Huân và tìm về làng cũ.
Trở về vườn dưa thì cha mẹ đã qua đời, vườn tược tan hoang, nàng liền lập miếu thờ ông bà và khai khẩn ruộng nương. Dân làng lúc này chưa biết lo sinh kế, tránh hoạn nạn nên được nàng dạy cách trồng lúa, nuôi tằm, dệt vải, đặt ra các nghi lễ… Ruộng nương từ đó mà tốt tươi, đời sống người dân mỗi ngày thêm sung túc. Rồi một hôm, bà cùng hai con đến đồi Cù Lao (là khu tháp cổ Ponagar hiện nay) cưỡi chim hạc bay về trời. Từ đó, bà hiển linh cứu độ dân chúng. Người dân tưởng nhớ công đức của bà, bèn tạc tượng, xây dựng tháp thờ phụng trên đồi Cù Lao.
Độc đáo tháp bà Ponagar.
Độc đáo tháp bà Ponagar.