Hà Nội

Bí ẩn hội chứng “người đẹp ngủ trong rừng”

25-10-2014 16:59 | Y học 360
google news

Trong khi nhiều người vì những áp lực căng thẳng của công việc và gia đình nên mất ngủ thì lại có người hễ đặt mình là ngủ, ngủ mãi và rất khó thức dậy.

Trong khi nhiều người vì những áp lực căng thẳng của công việc và gia đình nên mất ngủ thì lại có người hễ đặt mình là ngủ, ngủ mãi và rất khó thức dậy. Đây là một hội chứng bệnh học hiếm hoi có tên là Kleine-Levin.

Cô gái 20 tuổi Beth Goodier đến từ Stockport ở Greater Manchester (Anh) chỉ thức giấc đúng 2 tiếng/ngày bởi cô mắc hội chứng Kleine-Levin (KLS) hay còn có cái tên gọi mỹ miều khác là hội chứng “Người đẹp ngủ trong rừng”. Căn bệnh này đang ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 40 người khác ở Anh, phần lớn họ là thanh thiếu niên.

Tình trạng bệnh nghiêm trọng

Beth Goodier mắc bệnh lần đầu vào năm 16 tuổi. Cho đến giờ, các chuyên gia vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân gây ra căn bệnh KLS, những triệu chứng lần đầu tiên đã xảy ra khi bệnh nhân ở tuổi vị thành niên và hiện cũng chưa có thuốc chữa. Cùng với những giấc ngủ kéo dài, chứng bệnh cũng làm thay đổi các hành vi chẳng hạn như tình trạng của giấc mơ, hành vi như đứa trẻ và ăn uống say sưa. Bà Janine, mẹ của Beth Goodier đã phải nghỉ làm để dành thời gian chăm sóc cho cô. Bà cho biết, chứng ngủ lâu chỉ là một phần của vấn đề bởi vì mỗi khi thức giấc sau một giấc ngủ dài, Beth có vẻ như một đứa trẻ và hoàn toàn hoang mang không biết đâu là thực, đâu là mơ. Bà bộc bạch: “Khi con bé thức giấc, nó không biết là mình đang ở đâu. Việc này cứ lặp đi lặp lại và Beth không nhớ là mình đang làm gì”.

Bà Janine Goodier chăm sóc cô con gái Beth Goodier đang mắc bệnh KLS.

Hội chứng KLS là gì?

Đây là một chứng rối loạn thần kinh rất hiếm gặp, bệnh hình thành từ những cơn tái phát Hypersomnolence (ngủ trải dài) cùng với những trục trặc nhận thức và hành vi sau khi bệnh nhân tỉnh giấc. Tỷ lệ chính xác của bệnh KLS hiện còn chưa rõ nhưng ước tính là 1/1 triệu người. Trong số những người bị ảnh hưởng bệnh chiếm khoảng 70% là nam giới. Bệnh nhân ngủ từ 12 - 14 tiếng mỗi ngày, chỉ thức giấc để ăn và đi vệ sinh cá nhân. Các triệu chứng khi bệnh nhân tỉnh táo bao gồm mất phương hướng, lú lẫn, ảo giác, khó chịu, thờ ơ và lãnh đạm. Họ không thể tự chăm sóc bản thân hay đi học.

Bệnh KLS thường bắt đầu khi bệnh nhân vào tuổi vị thành niên, thời gian phát bệnh từ 2 - 12 lần mỗi năm. Mỗi một lần phát cơn buồn ngủ có thể kéo dài từ vài ngày tới vài tháng. Một khi dứt cơn buồn ngủ, bệnh nhân thường không nhớ chút nào về giấc mơ của họ. Các triệu chứng lặp đi lặp lại với rất ít sự cảnh báo. Giữa các đợt buồn ngủ, bệnh nhân được chẩn đoán bệnh KLS vẫn có sức khỏe tốt và không có dấu hiệu thay đổi hành vi hay rối loạn chức năng cơ thể. Khi bệnh nhân lớn tuổi, bệnh trở nên ít thường xuyên và cuối cùng là biến mất. Tuy vậy, một số trường hợp người bệnh có thể ở vào ngưỡng 40, 50 tuổi.Căn bệnh KLS có thể biểu hiện qua các dấu hiệu sau:

Hypersomnia hay ngủ quá nhiều: Đây là triệu chứng chính của bệnh KLS và là điều kiện cần thiết để chẩn đoán. Bệnh nhân ngủ từ 12 - 24 tiếng đồng hồ và giấc khó bị đánh thức.

Suy giảm nhận thức: Bệnh nhân bị bối rối, khả năng hiểu biết kém, tập trung kém, các vấn đề về trí nhớ và khó khăn giao tiếp. Suy giảm phát ngôn cũng phổ biến như nói đơn âm, nói lắp và giọng như trẻ con.

Bị biến đổi nhận thức: Phần lớn bệnh nhân cảm thấy họ bị “ngắt kết nối” với thế giới thực theo một số cách, khi mà môi trường xung quanh có vẻ sai lạc, méo mó như trong giấc mơ. Ngoài ra, một số bệnh nhân bị ảo giác thị giác và thính giác.

Phàm ăn (hyperphagia): 3/4 số bệnh nhân KLS bị mắc chứng rối loạn ăn uống sau khi ngủ dậy. Họ có xu hướng thèm vô độ đối với những thứ không thường xuyên ăn như bánh kẹo hay thức ăn vặt.

Hypersexuality: Một số bệnh nhân thường là nam giới đã bộc lộ hành vi tình dục cao độ. Họ thường thủ dâm liên tục và những hành vi tình dục bừa bãi. Những triệu chứng khác bao gồm: đau nửa đầu, mẫn cảm với ánh sáng và tiếng ồn; lo âu; dễ bị kích thích. Nhiều bệnh nhân KLS cũng phô bày các triệu chứng tự động như nhiệt độ thân thể bất thường, thay đổi nhịp tim, huyết áp và các triệu chứng như bệnh cúm.

Những hướng điều trị trong tương lai

Hiện nay chưa có thuốc điều trị dứt điểm cho bệnh KLS nhưng các bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc nhằm giảm bớt các triệu chứng bệnh. Các chất kích thích chẳng hạn như modafinil và methylphenidate có thể chống lại tác động của Hypersomnia nhưng chúng không làm giảm bớt các rối loạn có liên quan đến nhận thức. Các loại thuốc thay đổi tâm trạng như carbamazepine và lithium thường được dùng để điều trị chứng rối loạn lưỡng cực và cũng đã chứng tỏ được hiệu quả trong một số trường hợp bệnh KLS.

(Theo BBC,10/2014)

NGUYỄN THANH HẢI

 


Ý kiến của bạn