Bí ẩn đằng sau những mẫu hóa thạch hiếm gặp

10-11-2018 07:23 | Quốc tế
google news

SKĐS - Đôi khi, những phát hiện khảo cổ lại giúp chúng ta viết lại cả một giai đoạn lịch sử hoặc nhìn thấy những điều đã mất từ lâu. Hóa thạch của các động vật thời cổ đại không chỉ cho ta biết về lịch sử sinh học của chúng, mà những dấu tích hiếm hoi này còn phơi bày cả những cảnh quan từ thời tiền sử, những ngành nghề bí ẩn và con người đã hủy diệt thiên nhiên như thế nào.

Đàn mai rùa

Tại một số địa điểm khảo cổ ở Bắc Mỹ, mai rùa không phải là hiếm. Đối với nhiều bộ lạc, loài bò sát này là một nguồn thực phẩm, vì vậy các nhà nghiên cứu trước đây chỉ coi mai rùa là dấu tích còn lại từ bữa ăn của người tiền sử.

Xương sọ hóa thạch của một con bò.

Xương sọ hóa thạch của một con bò.

Năm 2018, một nghiên cứu đã tập trung vào những mảnh mai rùa còn lại ở Tennessee. Hầu hết những mảnh mai rùa là của loài rùa hộp miền Đông và đã hé mở bí mật về một cách sử dụng hoàn toàn khác cho loài bò sát này - làm nhạc cụ.

Niềm tin rằng những mảnh mai rùa này là một loại đàn không hoàn toàn mới. Một vài bộ đàn mai rùa khác đã xuất hiện rải rác trên khắp Bắc Mỹ. Việc khai quật nhiều hơn tại một số địa điểm của Tennessee đã chứng minh rằng không nên xem nhẹ dấu tích còn lại của loài động vật này.

Đàn mai rùa có thể là loại nhạc khí thiêng liêng do sự liên hệ mang tính biểu tượng với những huyền thoại về loài động vật nằm trong số tứ linh này. Rất có thể, sự linh thiêng sẽ thấm vào các nghi thức thông qua tiếng nhạc.

Điều này khác xa so với những gì mà các nhà khảo cổ ban đầu nghĩ về những hóa thạch mai rùa tại những địa điểm mà người tiền sử từng sinh sống, thúc đẩy việc xem xét lại những hiện vật kì lạ khác vốn bị các chuyên gia xem thường.

Dấu ấn thảm họa trong mỡ

Khi nhiệt độ toàn cầu đột nhiên giảm mạnh khoảng 8.000 năm trước, để lại hậu quả thảm khốc cho những nông dân thời tiền sử. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ quan tâm đến sự kiện này lại không hề có thông tin thực sự về những gì đã xảy ra.

Vào năm 2018, một kho báu khảo cổ đã giúp họ hình dung ra rõ ràng hơn về tình cảnh lúc đó. Di chỉ nằm ở Catalhoyuk, Thổ Nhĩ Kỳ. Là một trong những đô thị lâu đời nhất, nơi đây đã mang đến vô số những phát hiện lịch sử.

Trong sự quan tâm đến nhiệt độ lạnh của trái đất, các nhà nghiên cứu đã xem xét những chiếc bình gốm được phát hiện tại di chỉ này, đặc biệt là những chiếc từng đựng thịt. Lượng mỡ đọng lại từ gia súc và dê tiết lộ rằng nhiệt độ lạnh 8.000 năm trước đã gây ra hạn hán nghiêm trọng. Mỡ đã giữ lại những dấu hiệu hóa học cho thấy các con vật gầy hơn, khát hơn khi phải ăn cây cối đang chịu nạn hạn hán khủng khiếp.

Những dấu hiệu hóa học này là bằng chứng đầu tiên chứng minh sự kiện giảm nhiệt độ. Mỡ động vật cũng cho thấy người Catalhoyuk đã thích nghi. Một bằng chứng là họ tăng đàn dê bởi vì dê sinh sôi nảy nở tốt hơn gia súc trong điều kiện hạn hán. Những dấu hiệu thịt bám trên xương con vật cũng gợi ý rằng quá trình giết mổ đã trở nên tinh vi hơn để thu được càng nhiều thịt càng tốt.

Đàn mai rùa.

Đàn mai rùa.

Cá voi thời La Mã

Năm 2018, các nhà nghiên cứu đã thăm dò ba địa điểm chế biến cá thời La Mã gần eo biển Gibraltar. Trong số những hiện vật phát hiện được có những chiếc xương hóa thạch quá lớn đối với cá bình thường. Nghi ngờ đó là những gì còn lại từ bộ xương cá voi, họ đã nhanh chóng tiến hành các xét nghiệm. Nếu được chứng minh là đúng, điều này sẽ thay đổi những gì viết trong lịch về những người La Mã bị ám ảnh bởi nước mắm.

Kết quả cho thấy rằng những phần xương này thuộc về một con cá heo, một con voi và hai loài cá voi. Điều này không chỉ cho thấy người La Mã có nghề săn bắt cá voi rất phát triển mà còn hé lộ những bí mật khác.

Hai loại, cá voi xám và cá voi Bắc Đại Tây Dương, là những loài di cư dọc theo bờ biển nhưng không được tìm thấy ở vùng biển châu Âu ngày nay. Những bộ xương đã chứng minh cả hai loài đều có mặt ở Địa Trung Hải trong thời La Mã, giải quyết một câu hỏi về sự phân bố ban đầu của loài.

Tuy nhiên, khám phá này mở ra một bí ẩn kỳ lạ. Người La Mã là những nhà văn xuất sắc về đề tài ẩm thực. Tuy nhiên, trong vô vàn món cá và hải sản được mô tả, không có bài viết nào đề cập đến thịt cá voi.

Phẫu thuật thời đồ đá mới

Ở miền Tây nước Pháp, các cuộc khai quật tại một di chỉ thời kỳ đồ đá mới đã diễn ra suốt từ năm 1975 đến năm 1985. Trong số những di vật các nhà khảo cổ đã phát hiện ra xương sọ hóa thạch của một con bò sống khoảng 3.400-3.000 trước Công nguyên. Một cái lỗ ở hộp sọ đầu tiên được cho là do chấn thương khi húc nhau với con bò khác.

Vào năm 2018, các nhà nghiên cứu đã công bố những phát hiện sau khi xem xét kỹ hộp sọ này. Cái lỗ 5.000 năm tuổi đó không phải do sừng của một con vật khác gây ra vì nó thiếu những dấu gãy xương đặc trưng của một cú va đập dữ dội. Thay vào đó, có những dấu cạo lông. Chúng giống như những dấu vết trên xương sọ của những người đã trải qua một phẫu thuật sọ não cổ được gọi là khoan sọ.

Người ta cũng xác định được rằng lỗ thủng có kích thước 6,4x4,6cm này được tạo ra bởi các công cụ bằng đá. Mục đích của phẫu thuật vẫn chưa rõ ràng. Hoặc là ai đó đã quyết định cứu một con bò bị bệnh, thực hiện ca phẫu thuật thú y sớm nhất từng được biết đến, hoặc chiếc đầu là “dụng cụ thực hành” được sử dụng để giảng dạy cho bác sĩ phẫu thuật trước khi tiến hành ca mổ trên người.

Dù lý do gì đi nữa, khám phá này vẫn là bằng chứng lâu đời nhất của một thủ thuật y khoa được thực hiện trên động vật.


Cẩm Tú
Ý kiến của bạn