Bí ẩn “cuộc sống” của những ngôi sao

08-10-2008 16:37 | Thời sự
google news

Bạn biết không, cuộc sống của những ngôi sao cũng giống như của con người, cũng được sinh ra, lớn lên, một số thì tạo thành những hành tinh nhỏ khác rồi chết đi. Một vài loại trong số chúng, tương tự như chúng ta, từ từ già đi và tắt ngấm lúc nào không biết.

Bạn biết không, cuộc sống của những ngôi sao cũng giống như của con người, cũng được sinh ra, lớn lên, một số thì tạo thành những hành tinh nhỏ khác rồi chết đi. Một vài loại trong số chúng, tương tự như chúng ta, từ từ già đi và tắt ngấm lúc nào không biết. Một số khác lại biến cái chết của mình thành một “buổi biểu diễn” rực rỡ, soi sáng cả vũ trụ bao la...

Rực cháy huy hoàng rồi vụt tắt...

Đêm 27/11/1872, một sự kiện kỳ quái đã xảy ra: theo dự đoán sao chổi phải đi ngang trái đất. Thế nhưng nó đã không xuất hiện. Đổi lại, một trận mưa sao kỳ thú đã xuất hiện tại châu Âu. Trên bầu trời, từng ngôi sao rực rỡ, lấp lánh rơi xuống như trong ngày lễ hội, hình thành một khung cảnh tuyệt đẹp. Suốt 6 giờ đồng hồ, khoảng hơn 160.000 ngôi sao đã tạo nên một trận mưa sao. Kỳ lạ là, cũng vào ngày này (27/11) của các năm 1879, 1885, người ta lại nhìn thấy những trận mưa sao tương tự nhưng ở quy mô nhỏ hơn.

Theo nhận định của các nhà thiên văn học, đó là “di thể” sự phân liệt của sao chổi. Sự phân liệt này đã biến sao chổi thành hằng hà sa số ngôi sao nhỏ (lưu tinh) và tạo nên hiện tượng mưa sao.

Về bản chất, mưa sao cũng là hiện tượng các tinh thể từ trên trời rơi xuống mặt đất nhưng khác với sự rơi của các thiên thạch hay vẩn thạch, mưa sao có một đặc điểm kỳ lạ là thời gian và địa điểm rơi thường cố định, nghĩa là thường xảy ra theo chu kỳ thời gian và tại một địa điểm nhất định có thể xảy ra vài lần mưa sao.

Những ngôi sao lớn “biểu diễn” màn mưa

Những ngôi sao có khối lượng lớn khi đã hết sức sống, tức hết trữ lượng nhiên liệu hạt nhân, chúng không chết một cách yên ả, từ từ mà bừng sáng lần cuối cùng bằng cách tung các lớp ngoài của mình ra khoảng không gian xung quanh, khiến chúng ta có thể quan sát chúng bừng cháy rồi tạo thành những trận mưa sao rực rỡ. Trong trường hợp này, độ sáng của ngôi sao chỉ trong vài ngày cuối cùng tăng lên gấp hàng trăm triệu lần, biến nó thành một ngọn đuốc sáng rực, rồi thành một màn mưa ánh sáng. Ở trạng thái như vậy, màn mưa ánh sáng sao có thể chiếu sáng những ngóc ngách sâu thẳm nhất của vũ trụ, trong một khoảng không gian lớn hơn cả một dải ngân hà.

 Mưa sao.
Hài cốt của sao là những viên... đá quý

Thông thường, sau những trận mưa sao, người ta sẽ thu được rất nhiều những “hài cốt” của chúng. Tuổi của các bộ hài cốt sao đều là những con số dài dằng dặc. Trên trái đất, tảng đá cổ xưa nhất ở Đan Mạch tuổi đời được xác định là 3,9 tỷ năm. Tuy nhiên, một hòn vẩn thạch trẻ trung nhất cũng vượt qua con số đó: 4,6 tỷ năm, nghĩa là đồng tuổi với thái dương hệ.

Theo phân tích hóa học, hài cốt của sao có thể chia thành ba loại: thiết vẩn (thành phần hóa học chủ yếu là sắt), thạch vẩn (thành phần hóa học chủ yếu là đá) và thiết thạch vẩn (đá và sắt lẫn nhau) trong đó thạch vẩn chiếm số lượng lớn. Thỉnh thoảng, người ta còn tìm được các viên pha lê nhỏ trong đống hài cốt thạch vẩn, tuy nhiên loại vẩn tinh này cực hiếm, nó có cấu tạo thành phần hóa học tương tự như pha lê đen, bóng loáng, khi gõ vào nó, ta nghe được một thanh âm rất trong trẻo và vui tai. Trung Quốc là nơi sớm nhất có tài liệu ghi chép về các vẩn tinh pha lê.

Đáng ngạc nhiên hơn, từ thập niên 1980 các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng, trong những tàn tích của một số ngôi sao đã nổ có khá nhiều kim cương. Đó là những hạt kim cương cực nhỏ, có đường kính nhỏ đến 4 nanomet. Trong các hạt kim cương này còn lẫn một đồng vị của xênon, một loại nguyên tố hiếm trên trái đất nhưng lại khá phổ biến trong hài cốt của sao.

Tại sao trên trời lại có thể sản sinh ra những loại đá quý hiếm như thế? Đây vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, người ta đã bắt tay vào khai thác kho báu tiềm năng này từ vũ trũ. Các nhà khoa học thuộc Đại học Lousiana, Mỹ, đã tìm ra cách phát hiện dấu hiệu của các hạt kim cương giữa các ngôi sao; những hạt kim cương này hấp thụ ánh sáng của các ngôi sao ở phía sau. Họ ước tính rằng các hạt kim cương tồn tại khá phổ biến trong vũ trụ đến mức các ngôi sao trên dải ngân hà của chúng ta có thể chứa đến 1.035 tấn kim cương nano, một lượng lớn đáng kinh ngạc.

Có cái chết không để lại “hài cốt”

Trận mưa sao lớn nhất lịch sử xảy ra vào sáng sớm ngày 30/6/1908, rơi xuống một đài nguyên ở Siberia (Nga). Khi sao mẹ bừng cháy lần cuối, nó tạo nên tiếng nổ long trời nở đất, có sức vang động ngoài một ngàn dặm. Sức chấn động của nó khiến toàn bộ các thiết bị dự báo động đất trên toàn thế giới phản ứng mạnh mẽ. Toàn bộ khu rừng rậm nguyên thủy trong phạm vi bán kính 60km nơi hiện trường đã biến thành đồi trọc. Trong phạm vi bán kính mấy trăm km, cây cối đều bị quật ngã. Theo tính toán, nếu trận mưa sao lửa khổng lồ này rơi xuống chậm hơn 5 giờ đồng hồ, thì thành phố Saint Petersbourg của nước Nga đương thời sẽ bị nhấn chìm vào lòng trái đất.

Sau hiện tượng trên, mọi người nghĩ rằng nhất định sẽ tìm thấy hài cốt của các ngôi sao rơi. Nhưng điều khiến mọi người kinh ngạc là tại địa điểm rơi, có một hang sâu, đường kính 46m. Chung quanh hang động to lớn này trong vòng 3km có hơn 200 động nhỏ hơn, đường kính khoảng 1m. Và tuyệt nhiên người ta không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của trận mưa sao, ngay cả một mảnh vụn “hài cốt” của sao cũng không. Điều này quả là rất khó hiểu!

Lê Anh (Theo New Scientist)


Ý kiến của bạn