Hà Nội

Bí ẩn cuộc đời Mary Mallon người phụ nữ “gieo rắc bệnh thương hàn”

15-08-2018 10:39 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một trong những bí ẩn y học con người đến nay vẫn hoài nghi, tại sao có người mắc bệnh, người thì không. Thậm chí có người còn lan truyền cả bệnh sang cho người khác nhưng bản thân lại sống chung suốt đời như trường hợp một phụ nữ nổi tiếng người Mỹ tên là Mary Mallon.

Vì sao Mary Mallon trở nên nổi  tiếng?

Theo Bách khoa thư mở (WP), Mary Mallon (1869 -1938) còn có tên gọi khác là Typhoid Mary, người đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ mang ký sinh thương hàn nhưng bản thân lại không việc gì. Mary Mallon sinh tại hạt Tyrone, Ireland, di cư vào Mỹ năm 1884 làm nghề đầu bếp ở Mamaroneck, New York. Chỉ trong thời gian hai tuần người dân ở đây đã bị nhiễm vi khuẩn thương hàn. Bà Mary Mallon đã bỏ vài tháng để giúp những người chính bà làm lây nhiễm, nhưng càng giúp bệnh tình của họ lại càng tồi tệ hơn. Từ đây, ngày càng có thêm nhiều người bị nhiễm bệnh.

Tổng cộng, Mary Mallon đã làm cho 53 người nhiễm bệnh, 3 trong số này thiệt mạng. Từ đây tên tuổi Mary Mallon càng trở nên nổi tiếng, nhưng Mallon lại không đi khám và từ chối bỏ nghề nấu ăn vì nghĩ rằng bị mọi người vu cáo. Mallon hứa sẽ không làm đầu bếp nữa, nhưng cuối cùng lại thất hứa, đổi tên, tiếp tục hành nghề buộc chính quyền phải áp dụng cách ly vĩnh viễn. Nhiều thông tin đồn thổi,  Mallon đã bị nhiễm bệnh khi còn nằm trong bụng mẹ, nhưng thực hư điều này không có tài liệu nào nói đến.

Bí ẩn cuộc đời Mary Mallon người phụ nữ “gieo rắc bệnh thương hàn”Mary Mallon (người đầu tiên trái sang) nằm điều trị trong đợt cách ly đầu tiên

Bác sĩ người Mỹ George Soper, một trong những người tiên phong đi đầu trong nghiên cứu về thương hàn đã phát hiện ra Mallon là vật truyền nhiễm, nhưng Mallon lại kiên quyết từ chối để các nhà nghiên cứu lấy nước tiểu và phân phục vụ cho việc phân tích. Theo Soper, Mallon là người mang vật ký sinh thương hàn, có thể lây nhiễm trong khi khỏe mạnh nhưng do các quy định pháp luật thời đó, việc khám và xét nghiệm những người khỏe mạnh chưa được áp dụng. Ngoài ra, còn phải kể đến thành kiến với những người Ireland như Mallon, thậm chí có người còn ủng hộ Mallon và cho rằng do những căn nhà ổ chuột, vệ sinh kém phát sinh dịch bệnh chính là thủ phạm lan truyền mầm bệnh.

Mary Mallon không phải là người đầu tiên mang ký sinh thương hàn mà tính đến năm 1909 có tới 5 người khác cùng gây bệnh

Không chịu bó tay, Sở Y tế New York (NHD) đã cử bác sĩ Sara Josephine Baker đến để kiểm tra Mary với sự hỗ trợ của cảnh sát. Cuối cùng, phát hiện thấy Mallon là người mang vật ký sinh thương hàn và buộc phải cách ly, không được phép hành nghề nấu ăn nữa. Sau khi cam kết. Mallon không bị cánh ly nữa và trở về đất liền. Đáng tiếc sau khi được thả Mallon lại đổi tên thành Mary Brown, trở lại với công việc cũ và từ đây, lây nhiễm thêm cho 25 người nữ vào năm 1915. Lần này Mallon bị truy tìm gắt gao hơn,  buộc phải quay về đảo cũ để cách ly và sống tại đảo này cho đến hết đời. Tên tuổi của bà trở nên nổi tiếng, được phép làm việc cho một phòng thí nghiệm trên đảo. Sáu năm trước khi qua đời Mallon bị liệt do tai biến mạch máu não, bà qua đời đầu tháng 11 năm 1938 ở tuổi 69. Ngay sau khi tắt thở, một cuộc khám nghiệm tử thi đã được tiến hành, người ta tìm thấy vi khuẩn thương hàn trong túi mật. Mallon được hỏa thiêu, thi hài tro được chôn cất tại nghĩa trang Saint Raymond, Bronx.

Thêm những khám phá mới ít biết về Mary Mallon

Nhân 80 năm ngày mất của người phụ nữ “vô danh nhưng nổi tiếng” này, tạp chí trực tuyến Listverse của Anh đầu tháng 7-2018 đã cập nhật những tình tiết mới nhất về Mallon và căn bệnh mà bà từng mắc phải.

Mary Mallon không phải là người đầu tiên mang ký sinh thương hàn:

Tính đến năm 1909, NHD đã tìm thấy 5 người mang mầm bệnh khỏe mạnh nhưng lại chỉ có Mallon bị cách ly vì được cho là đã nhiễm tới 53 người, và 3 ca tử vong. Tuy nhiên, một người mang mầm bệnh thương hàn khỏe mạnh khác tên là Tony Labella còn gây nhiễm gấp nhiều lần Mallon, khoảng 122 người, trong số này có 5 người tử vong nhưng chỉ bị cách ly 2 tuần và sau khi được thả đã tự biến mất ở tuổi 39. Ngoài 2 người này, NHD còn  cấm một chủ cửa hàng ăn uống tên là Alphonse Cotils hành nghề, nhưng đương sự  vẫn chống lệnh mà không bị bắt vì là lao động chính trong gia đình.

Theo NHD, hiện tại, mỗi năm ở thành phố New York người ta phát hiện thấy thêm 4.500 trường hợp mắc bệnh thương hàn mới. Khoảng 3% số người mắc bệnh được xem là nhóm mang mầm bệnh. Tổng thể, 135 người mang mầm bệnh mới xuất hiện mỗi năm, điều này đồng nghĩa, nếu còn sống Mary Mallon không còn là người nổi tiếng nữa.

Mary Mallon từng được cầu hôn khi đang bị cách ly:

Reuben Grey, một nông dân 28 tuổi người Michigan, đã viết thư cho Ủy viên y tế Thomas Darlington trình bày nguyện vọng muốn được cầu hôn với người phụ nữ nổi tiếng này. Theo Grey, anh ta đã đọc các bài báo cũng như thông tin về Mallon, muốn cưới người phụ nữ này về làm vợ sau đó đưa vợ tới ở một trang trại lớn ở cách xa thị trấn. Ở đó, Mallon sẽ không còn gây nguy hiểm cho cộng đồng nữa. Grey còn cho hay Mallon là một đầu bếp giỏi, đây chính là điều mà Grey mong muốn nhất ở phụ  nữ. “Duy nhất có một điều cô ấy nên nhận thức đầy đủ trước khi ký hợp đồng hôn nhân, rằng tôi đã yêu say đắm cô ta từ ba năm trước”, Reuben Grey hóm hỉnh viết, đáng tiếc Mallon đã từ chối lời cầu hôn lịch sự này.

Bí ẩn cuộc đời Mary Mallon người phụ nữ “gieo rắc bệnh thương hàn”Nữ y tá được tiêm phòng vắcxin thương hàn năm 1905 nên khi ăn các món do Mallon chuẩn bị sẽ không mắc bệnh

Người ta đã làm gì để chữa bệnh cho Mary Mallon:

Bác sĩ George Soper người tiên phong nghiên cứu về thương hàn đã đề nghị thả Mallon nếu bà đồng ý phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Sự việc này diễn ra khi Mallon đang điều trị tại bệnh viện Willard Parker. Tại đây, bác sĩ Soper đã đến thăm Mallon thường xuyên và đề nghị thỏa thuận nói trên. Lý do đề nghị này được đưa ra là vì hầu hết các vi trùng đều nằm trong túi mật, nếu cắt bỏ có nghĩa loại bỏ hết mầm bệnh. George Soper đã giải thích cho Mallon hiểu, túi mật giống như ruột thừa, không có nó con người vẫn sống được bình thường nhưng cuối cùng Mallon vẫn từ chối và còn tuyên bố  “Không có mổ miếc gì hết, túi mật của tôi chẳng việc gì”.

Sau khi đề nghị bị từ chối, túi mật Mallon ngày càng lớn dần và hậu quả vào đầu những năm 1900, người ta buộc phải phẫu thuật. Do cơ sở vật chất ngành y hồi đó còn nghèo nàn nên khi mổ không ai mang mặt nạ, riêng Mallon lại càng tỏ ra nghi ngờ việc làm của các bác sĩ và cho rằng đây là hành động vu khống chứ bản thân bà không hề mắc bệnh. Ngoài việc phẫu thuật NHD, còn tiến hành thử nghiệm thuộc thương hàn cho Mallon, kê toa Urotropin, một loại thuốc làm từ amoniac và formaldehyde nhưng không hiệu quả. Sau khi uống, Mallon gặp phải một số tác dụng phụ gây khó chịu. Sau đó các bác sĩ đã thay đổi chế độ ăn uống kết hợp dùng thuốc nhuận tràng nhưng qua xét nghiệm, Mallon vẫn là đối tượng mang mầm bệnh sốt thương hàn.

Sốt thương hàn được xem là một trong những căn bệnh nguy hiểm của thế kỷ 19. Riêng tại thành phố New York, do ngựa thả rông, phân ngựa vương vãi mọi nơi nên bệnh càng phát triển. Theo số liệu còn lưu, New York hồi đó có tới hơn 100.000 con ngựa, tạo ra ít nhất 1,1 tấn phân mỗi ngày, phần lớn vung vãi trên đường phố. Khi mầm bệnh thâm nhập vào cơ thể, nó trú ngụ trong dạ dày và ruột non, gây nhiễm trùng gan, túi mật, lá lách, tim, phổi và thận. Nếu nặng, bệnh nhân trở nên mê sảng, tiêu chảy nặng, đây là căn bệnh có tỉ lệ tử vong 10 – 30% trong số những ca mắc bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thương hàn là chứng bệnh đường tiêu hóa do nhiễm vi trùng Salmonella enterica serovar Typhi. Căn bệnh hiểm nghèo này dễ lây lan khi vi trùng trong phân người bị bệnh nhiễm vào thức ăn hay thức uống và truyền sang người khác.

Cũng theo WHO, hàng năm khoảng 16 - 33 triệu người mắc bệnh thương hàn, 5 - 600.000 người chết, biến nhất là ở nhóm người độ tuổi từ  5 - 19.


DS. TRANG NHUNG
Ý kiến của bạn