Hà Nội

Bí ẩn căn bệnh người lột da như rắn

06-10-2014 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Hiện tượng lột da chỉ xuất hiện ở một số loài vật, nhất là bò sát, nhưng ở Indonesia hiện nay lại có cậu bé mắc phải căn bệnh lạ này với làn da sần sùi như vẩy rắn.

Hiện tượng lột da chỉ xuất hiện ở một số loài vật, nhất là bò sát, nhưng ở Indonesia hiện nay lại có cậu bé mắc phải căn bệnh lạ này với làn da sần sùi như vẩy rắn.

Cứ 41 ngày lại lột da một lần

Nhiếp ảnh gia người Indonesia Nurcholis Anhari Lubis vừa giới thiệu một bộ ảnh lạ, nói về cậu bé thiếu niên người Indonesia Ari Wibowo mắc phải căn bệnh cực kỳ hiếm gặp, có làn da sần sùi, bong tróc như da rắn, cứ 41 ngày lại bong ra từng mảng, không khác gì rắn lột da, buộc cậu phải ngâm mình trong nước để hạn chế đau rát và khỏi bị bong tróc, vì vậy, Ari Wibowo được ví là Snake Boy (cậu bé người rắn).

Hiện tượng lột da chỉ xuất hiện ở một số loài vật, nhất là bò sát, nhưng ở Indonesia hiện nay lại có cậu bé mắc phải căn bệnh lạ này với làn da sần sùi như vẩy rắn.

(cậu bé người rắn) Ari Wibowo

Theo các bác sĩ Indonesia, Ari Wibowo mắc phải căn bệnh về da hiếm gặp có tên Erythrodermic, nó làm cho da toàn thân bị khô, đóng vảy và bong tróc. Căn bệnh xuất hiện ngay từ khi cậu còn nhỏ cách đây 16 năm và hiện nay mỗi ngày Ari phải ngâm mình trong nước nhiều lần bất kể ngày hay đêm, đồng thời phải vẩy thêm nước lên da để hạn chế da khô. Để ghi lại cuộc sống của Ari, Nurcholis Anhari Lubis (35 tuổi) đã phải sống cùng với gia đình Ari trong nhiều ngày. Ban đầu, Ari từ chối do xấu hổ nhưng qua tâm sự và biết được mục đích của việc làm nên gia đình em rất phấn khởi. Theo bố mẹ Ari, bệnh của em đã được đưa đi khám ở nhiều nơi nhưng ở đâu cũng từ chối vì nó là căn bệnh lạ, gia đình chỉ còn cách duy nhất là tự chăm sóc và bôi kem để giảm đau, còn Ari thì cố gắng duy trì cuộc sống thường ngày và chăm đến trường đều đặn.

Ngoại trừ căn bệnh quái ác, Ari Wibowo vẫn ăn uống bình thường với món ăn yêu thích là mì ăn liền và bánh bích quy. Lúc còn nhỏ, Ari gặp nhiều khó khăn trong việc kết bạn, luôn bị mọi người tò mò nhòm ngó do vẻ ngoài khác thường, nhưng nhờ nghị lực em đã vượt lên hết thảy. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều định kiến của làng xóm, nhất là nhóm người mê tín, họ cho rằng Ari mắc bệnh là do mẹ hành hạ thằn lằn, thậm chí có trường học không muốn nhận em vì sợ lây cho giáo viên và học sinh khác.

Bệnh vảy cá Erythrodermic có chữa được không?

Erythrodermic được y học gọi là bệnh viêm da vảy cá hay viêm da đỏ toàn thân hoặc còn có tên là hội chứng người đàn ông da đỏ (RMS). Đây là căn bệnh hiếm gặp, có thể hiểu ngắn gọn, da bị viêm đỏ và bong vảy tới 90% diện tích cơ thể. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là da khô, bong vảy dày do rối loạn quá trình sừng hóa của da. Có rất nhiều thể khác nhau, mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc vào từng thể và kiểu di truyền. Phổ biến là thể vảy cá thông thường (Itchyosis vulgaris) liên quan với nhiễm sắc thể X, tỷ lệ mắc bệnh ở bé trai là 1/2.000 đến 1/10.000 ca sinh, xuất hiện sau sinh từ 3 - 6 tháng tuổi. Tình trạng khô và bong vảy xuất hiện chủ yếu ở chi và trên người, ít gặp ở nếp gấp khuỷu khớp. Bệnh thường tiến triển về mùa đông và có xu hướng giảm dần khi bước vào tuổi dậy thì. Dạng thứ hai là vảy cá toàn thân (Ichtyosiform erythroderma), đây là thể đặc biệt của bệnh vảy cá. Thuộc dạng di truyền thể lặn, tỉ lệ mắc bệnh 1/10.000 ca sinh, xuất hiện ngay sau đẻ với tình trạng da đỏ toàn thân, kèm theo khô và bóng do quá trình tăng tiết mồ hôi giảm. Nếu nặng có thể dễn tới tử vong do rối loạn thân nhiệt, rối loạn nước điện giải hay nhiễm trùng. Bệnh giảm dần về mùa đông, bong vảy da màu nâu đen và thường kết hợp với một số biểu hiện như lộn mi, biến dạng vành tai, ngón tay và ngón chân.

Nguyên nhân gây bệnh Erythrodermic rất khó xác định và cũng rất đa dạng. Trong đó, tự phát chiếm 30%, dị ứng thuốc 28%, viêm da tiếp xúc 3%, viêm da cơ địa 10%, Lymphoma và bệnh bạch cầu 14%, vảy nến 8%... Ngoài ra còn có tới hàng chục loại thuốc cũng được xem là thủ phạm gây bệnh như nhóm thuốc ức chế ACE, allopurinol, aminoglutethimid, amiodaron, amitriptylin, amoxicillin, ampicillin, arsenic... cho đến trimethoprim, vancomycin.

Đối với bệnh nhân Erythrodermic, chăm sóc thường xuyên đóng vai trò quan trọng. Trước tiên, người bệnh phải duy trì tâm lý ổn định, áp dụng liệu pháp tự thư giãn và duy trì độ ẩm thường xuyên cho da để tránh kích thích từ bên ngoài và ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp. Điều trị bệnh vảy cá bẩm sinh hiện còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là dùng các sản phẩm chống khô da và các thuốc bong vảy da. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ở giai đoạn cấp tính, da nhạy cảm hơn thì cần chú ý không tắm quá thường xuyên, nhiệt độ nước tắm không được quá cao, không chà xát quá mạnh để làm trầm trọng thêm các vết tróc vảy.

Về ăn uống, nên hạn chế thực phẩm cay nóng, nhiều gia vị, không nên ăn thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao. Tuy nhiên, cũng không nên kiêng quá mức mà phải đa dạng hóa chế độ ăn uống để đảm bảm đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Đối với triệu chứng thể nặng, thường kèm theo sốt, đau đầu và một số biến chứng khác, nhất là khi dùng thuốc dài kỳ có thể phát sinh các vấn đề liên quan đến mắt, thận, đường tiêu hóa, tim mạch và các bộ phận khác của cơ thể, do vậy trong trường hợp này cần chăm sóc, giám sát chặt chẽ, tư vấn bác sĩ kịp thời để khắc phục những sự cố bất trắc ảnh hưởng đến tính mạng có thể xảy ra.

(Theo DailyMail, 9/2014)

Khắc Nam


Ý kiến của bạn