Biển Hồ là tên do người Kinh đặt, còn tên thật của nó là Tơ Nueng, là một miệng núi lửa khổng lồ nằm ở phía bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai quanh năm ăm ắp nước và luôn luôn xanh ngăn ngắt, như một chiếc gương trên chót vót cao nguyên cho mây trời soi bóng. Xung quanh nó có rất nhiều bí ẩn và huyền thoại khiến Biển Hồ lại càng lung linh kỳ ảo trong ký ức của con người, cả người sở tại và du khách.
Nhưng bây giờ thì một số bí ẩn của Biển Hồ đang được giải mã, khiến nó trần trụi hơn, bớt lung linh huyền ảo hơn.
Hiện nay người ta xác định chính xác diện tích của Biển Hồ là 240 ha, là hồ nước tự nhiên lớn nhất trong khu vực. Các kết quả phân tích chất lượng nước cho thấy nước ở đây có chất lượng tốt nhất trong tất cả các thuỷ vực mặt nước lớn tại Tây Nguyên cũng như toàn quốc. Chính vì thế, Biển Hồ là một tài nguyên mặt nước dồi dào, cả trữ lượng và chất lượng đều bảo đảm, có ý nghĩa chiến lược trong quá trình phát triển thành phố Pleiku. Người ta cũng đã dùng máy hồi âm định vị để xác định Biển Hồ được hình thành bởi 3 túi trũng từ các dãy núi xung quanh. Hai túi lớn thông nhau qua một eo khá rộng và có độ sâu tương tự nhau là 16 mét. Túi trũng còn lại có độ sâu khoảng 12 mét. Trước người ta đồn rằng, đáy Biển Hồ có những cái vực rất sâu, hun hút như giếng, giờ xác định là nó khá bằng phẳng. Cũng có thể đây là kết quả của việc bồi lắng sạt lở diễn ra khá mạnh vào mùa mưa liên tục các năm vừa qua. Toàn bộ trữ lượng nước của Biển Hồ vào khoảng 25 đến 30 triệu m3, xê dịch giữa mùa khô và mùa mưa chứ nó không “nguyên si, không đổi” như lời đồn. Nhưng nguyên việc có một cái hồ nước vĩ đại đến ba chục triệu mét khối lơ lửng trên tầng trời như thế đã là kỳ diệu lắm rồi...
Ngoài việc chính hiện nay là cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Pleiku thì một thời người ta “quây” Biển Hồ lại bán vé du lịch. Nhưng rồi làm không đến nơi đến chốn, sự đầu tư không tương ứng với khai thác nên nguồn nước ô nhiễm, người ta thôi tổ chức bán vé mà để mặc, ai muốn vào thì vào, chả chỉnh trang quy hoạch gì. Khách đến Pleiku bao giờ cũng háo hức đòi ra Biển Hồ, ra xong loay hoay chụp kiểu ảnh, đứng thẫn thờ hoang mang chưa tới 5 phút thì rút vì... chả hiểu gì cả (không có ai đứng ra thuyết minh về nguồn gốc, sự tích Biển Hồ) cũng chả thấy có gì cả, ngoài... nước. Mà nước thì ở đâu chả có. Thỉnh thoảng lại có vụ học sinh chết đuối mà kinh hoàng nhất là vụ 11 cháu học sinh lớp 12 nghỉ ôn thi, rủ nhau thuê một chiếc thuyền đi chơi trên Biển Hồ, thuyền lật, 6 cháu chết. Cũng không phải là không có nguy cơ ô nhiễm Biển Hồ như báo chí đã có lần cảnh báo. Ấy là các làng đồng bào dân tộc ở xung quanh Biển Hồ ngày càng nhiều. Toàn bộ rác thải sinh hoạt của họ, kể cả mồ mả, đều có đường xuống Biển Hồ. Rồi việc không tổ chức du lịch nhưng hàng ngày vẫn có hàng trăm người vào thăm, ngoài số vào rồi về ngay, vẫn còn khá đông thanh niên mang theo đồ nhậu ra đây “chiến đấu” và Biển Hồ lại hứng lấy những gì họ thải ra...
Để cho Biển Hồ xứng đáng là hòn ngọc của Tây Nguyên, là một thắng cảnh mang tầm quốc gia và vẫn bảo đảm phục vụ dân sinh, thiết nghĩ còn nhiều việc phải làm. Những bí ẩn quanh nó chỉ càng làm lung linh huyền ảo hơn thắng cảnh có một không hai này...
Văn Công Hùng