Cơ quan chức năng đang truy tìm nguồn lây lan của warfarin. Tuy nhiên, nghi vấn độc chất này lan ra từ thuốc diệt chuột đã được đại diện Cục Bảo vệ Thực vật bác bỏ
Ngày 12-12, khi chúng tôi đến thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang hỏi thăm nhà các gia đình có người mắc bệnh chảy máu không cầm, ai cũng lo lắng: “Chú có biết đó là bệnh gì không, nó lây thế nào nhỉ?”.
Nhà có 5 người mắc bệnh
Trong số 9 người ở Tân Yên mắc căn bệnh “lạ” này thì gia đình bà Linh Thị Hồng (71 tuổi, ở phố Mới, thị trấn Cao Thượng) có 5 người, gồm con trai, con dâu, 2 cháu ngoại và 1 cháu nội. Bà Hồng ở nhà một mình vì con cháu đều đi Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội) điều trị. “Chẳng biết thế nào mà tai họa lại ập xuống gia đình tôi như thế” - bà Hồng than thở.
Bà Hồng kể vào tháng 6-2013, con trai bà là anh Nguyễn Anh Tuấn (31 tuổi) một hôm ra đồng bắt cá thì bị đỉa cắn. Sau đó, vết thương không cầm máu được nên anh phải đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán Tuấn bị chứng rối loạn đông máu do thiếu vitamin K.
Khoảng 3 tháng sau, đến lượt chị Nguyễn Thị Phương Liễu, vợ anh Tuấn, mắc phải căn bệnh kỳ lạ này. Cả gia đình chưa hết hoang mang, lo sợ thì cuối tháng 10, cháu Nguyễn Ngọc Cẩm Tú (6 tuổi, con gái anh Tuấn) bị chảy máu chân răng liên tục. Các bác sĩ cũng chẩn đoán Tú mắc chứng bệnh giống bố mẹ.
“Sau gần 1 tháng điều trị, bé Tú được xuất viện nhưng chỉ 4 ngày lại phải nhập viện vì đi tiểu ra máu. Hiện cháu vẫn đang nằm điều trị ở Hà Nội” - bà Hồng lo lắng.
Trước đó, 2 cháu ngoại của bà Hồng là Nguyễn Thị Mai Hương (9 tuổi) và Nguyễn Huy Phúc (6 tuổi) cũng được phát hiện bị chứng rối loạn đông máu.
Cạnh nhà bà Hồng, gia đình chị Nguyễn Thị Yến cũng có cháu Phạm Trà Vi mới 22 tháng tuổi nhưng đã mắc căn bệnh này. “Từ hôm cháu bị bệnh đến giờ, chi phí điều trị hết khoảng 60 triệu đồng rồi” - chị Yến rầu rĩ.
Theo chị Yến, cách đây gần 2 tháng, Vi bị một vết thâm ở lưng, cháu gãi rồi bị chảy máu không ngừng. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương xác định cháu bị rối loạn đông máu và truyền vitamin K. Sau khi sức khỏe ổn định, Vi được cho về nhưng trên lưng bé lại xuất hiện vết thâm, nếu chảy máu vẫn không cầm được. Nhập viện lần thứ 2, các bác sĩ cho biết bé Vi phải thường xuyên uống bổ sung vitamin K, nếu dừng lại bệnh sẽ tái phát.
“Tôi vừa phải vay mượn tiền để đi mổ tim hết hơn 100 triệu đồng, giờ mỗi tháng cháu Vi phải uống thuốc hết 6 triệu đồng. Nếu cứ điều trị kéo dài, vợ chồng tôi chẳng biết sẽ xoay xở thế nào” - chị Yến thở dài.
“Thủ phạm” là warfarin?
Ngày 11-12, đoàn công tác của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã đến nhà các bệnh nhân để lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 2. BS Nguyễn Thị Mai, Trưởng Khoa Điều trị bệnh Hemopholia Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết các bệnh nhân bị rối loạn đông máu do thiếu những yếu tố đông máu, phụ thuộc vitamin K và do ngộ độc chất warfarin.
“Tuy nhiên, việc nhiễm độc chất wafarin từ nguồn nào thì bây giờ chúng ta phải đi tìm xem từ thức ăn, nước uống hay môi trường để khoanh vùng” - bà Mai nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 12-12, ông Đinh Đức Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, cho biết cũng có thông tin đồn thổi về nguyên nhân mắc bệnh là do buôn bán, sử dụng hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.
“Chúng tôi phải chờ cơ quan có thẩm quyền đưa ra kết luận. Chính quyền đang tích cực tuyên truyền để bà con không hoang mang, đồng thời sẽ xử lý nghiêm những trường hợp nào tung tin đồn vô căn cứ” - ông Cảnh khẳng định.
Chưa đủ căn cứ nghi thuốc diệt chuột
Trước thông tin cho rằng nguyên nhân gây bệnh ở Cao Thượng là do ô nhiễm nguồn nước hoặc do thuốc diệt chuột, bà Linh Thị Hồng thắc mắc: “Nếu vậy thì nhiều người ở phố Mới cũng bị, chứ đâu chỉ gia đình tôi?”.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật, một số loại thuốc diệt chuột có chất warfarin nhằm làm chuột xuất huyết nội tạng rồi chết. Tuy nhiên, các loại thuốc này không gây nguy hại cho người sử dụng diệt chuột vì nhà sản xuất đã tính toán 1 lượng nhỏ vừa đủ làm hại 1 con vật có trọng lượng như chuột.
“Nếu nói chất warfarin ngấm qua da gây ngộ độc thì người dân phải tiếp xúc với lượng thuốc rất lớn. Một số thuốc diệt chuột có xuất xứ Trung Quốc độc hại như dư luận nói thường gây ngộ độc cấp tính, “ăn vào là chết ngay” chứ không chỉ là gây chảy máu” - ông Hồng lý giải. N.Dung
Theo Người lao động