Sẽ tháo gỡ được những khó khăn rất cơ bản
Một lần nữa, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhắc lại, mục tiêu của lần sửa đổi luật là phải đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống luật đã được ban hành; đảm bảo phân cấp chuyên môn kỹ thuật đã được quy định của Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi. Vì vậy Luật BHYT phải có điều chỉnh để có cơ chế thanh toán cũng như hỗ trợ cho người dân khi mà đi khám, chữa bệnh theo cấp chuyên môn kỹ thuật.
Dự thảo luật cũng sẽ rà soát những vướng mắc, tồn tại trong triển khai thực hiện các chính sách BHYT với mục tiêu cao nhất đó là làm thế nào tiện nhất cho người tham gia BHYT và tạo điều kiện tốt nhất cho công tác khám, chữa bệnh. Nếu được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ được những khó khăn rất cơ bản trong quá trình triển khai thực hiện.
"BHYT là một trong những yếu tố rất quan trọng để chúng ta xây dựng hệ thống y tế Việt Nam một cách ổn định và vững vàng", Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.
Ngoài việc đảm bảo tính thống nhất của hệ thống luật đã được ban hành, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, dự án Luật phải giải quyết được việc phân cấp chuyên môn kỹ thuật đã được quy định của Luật Khám, chữa bệnh 2023. Bởi, từ 1/1/2025, sẽ không còn tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến xã như tên gọi trước đây. Vì vậy, Luật BHYT cần có điều chỉnh về cơ chế thanh toán, hỗ trợ cho người dân đi khám, chữa bệnh theo cấp chuyên môn kỹ thuật.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức các hội nghị, hội thảo để tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai BHYT, trong đó, vấn đề bức xúc nhất là chuyển tuyến. Ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám, chữa bệnh kịp thời thì cần có sự đầu tư đúng mức để bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến cơ sở cũng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, thực hiện được các nhiệm vụ khám chữa bệnh, tránh để người dân phải chuyển tuyến. Hiện Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp như chỉ đạo tuyến, đưa bác sĩ về tuyến dưới, các chính sách khám chữa bệnh từ xa… nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết.
Về đối tượng, qua quá trình lấy ý kiến các cơ quan liên quan, các đối tượng như người dân ở vùng ATK, người dân ở khu vực 1 chuyển xuống khu vực 2,3… Bộ Y tế đã rà soát và đưa vào danh mục "các đối tượng khác" trong dự thảo của Nghị định kèm theo.
Thêm quy định điều chuyển thuốc giữa các cơ sở y tế
Về việc điều chuyển thuốc, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, không phải tất cả các gói thầu tham gia đều có thể mua được ngay. Đơn cử như BVĐK Đức Giang báo cáo mua được 95%, còn 5% thuốc không thể mua được. Để giải quyết tình huống bất khả kháng không mua được thuốc, hiện Bộ Y tế đề xuất 2 cơ chế.
Thứ nhất, ngoài tháo gỡ cơ chế đấu thầu mua sắm, đưa thêm điều chuyển thuốc giữa các cơ sở y tế. Đây là một nội dung mới, là một trong những giải pháp giải quyết vấn đề thiếu thuốc. Chẳng hạn, quý trước Bệnh viện A mua được thuốc, bây giờ Bệnh viện B cần thì có thể điều chuyển giữa các bệnh viện với nhau và vẫn thanh toán BHYT cho người dân, để người dân không phải ra ngoài mua thuốc, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Thứ hai, nếu điều chuyển thuốc không có, người dân phải ra ngoài mua thuốc thì có cơ chế thanh toán. "Bản thân bác sĩ cũng không mong muốn việc người dân phải ra ngoài mua thuốc bởi ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh", Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.