Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn đã chia sẻ với báo chí xung quanh quá trình vào cuộc triển khai thực hiện 24/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc họi (Nghị quyết 24) về thực hiện chi hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của ngành BHXH Việt Nam.
PV: Ông có thể thông tin nhanh về kết quả thực hiện Nghị quyết 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến thời điểm này?
Ông Lê Hùng Sơn: Nghị quyết số 24 về việc tiếp tục chi hỗ trợ cho người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệpđược Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 11/8/2022.
Quá trình triển khai Nghị quyết 24 đã được BHXH Việt Nam thực hiện nhanh chóng. Kết quả, tính đến ngày 10/9/2022, toàn Ngành đã giải quyết hưởng hỗ trợ đối với 365.215 người lao động với số tiền hơn 1.034 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đến hết ngày 31/8/2022, BHXH các tỉnh, thành phố đã thực hiện giảm đóng vào quỹ BH thất nghiệp cho 346.664 đơn vị, tương ứng với 11,98 triệu người lao động và số tiền giảm đóng trong 11 tháng là 8.385 tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 9/2022, số tiền giảm đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng khoảng 9.211 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, BHXH Việt Nam đã triển khai Nghị quyết 03 trước đây cũng như Nghị quyết 24 sau này với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao nhất.
PV: Vậy ông có thể nói rõ hơn về việc BHXH Việt Nam đã triển khai Nghị quyết 24 với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao nhất?
Ông Lê Hùng Sơn: Cụ thể, ngày 11/8/2022, Ủy ban TVQH thông qua Nghị quyết 24, ngay ngày hôm sau, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 2216/BHXH-CSXH chỉ đạo triển khai, đảm bảo nhanh chóng chi hỗ trợ đến người lao động thuộc diện được hưởng.
Theo đó, đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc kịp thời thông tin đến người lao động; công khai danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ trên Trang Thông tin điện tử của BHXH tỉnh, thành phố.
Đối với các trường hợp có thông tin chưa chính xác, yêu cầu tiếp tục liên hệ với người hưởng để cập nhật thông tin, đảm bảo hoàn thành việc chi hỗ trợ cho người lao động đúng thời hạn quy định.
Đồng thời, yêu cầu rà soát, kiểm tra đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ, thông tin hưởng hỗ trợ để đảm bảo chi hỗ trợ đầy đủ, đúng đối tượng, đúng mức hỗ trợ theo quy định; đặc biệt rà soát kỹ các trường hợp trùng số tài khoản, trùng thông tin nhân thân...
Công tác tuyên truyền, hướng dẫn người lao động cũng được đẩy mạnh. Tính từ ngày 15/8 đến hết ngày 8/9/2022, đã có trên 600 tin, bài tuyên truyền về công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết 24 được đăng tải, phát sóng trên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Kết quả thực hiện được cập nhật thường xuyên và gửi đến các cơ quan báo chí, truyền thông để tuyên truyền tới người lao động và doanh nghiệp.
Dù vậy, vẫn còn 2.693 người lao động đã nộp hồ sơ và được cơ quan BHXH giải quyết hưởng theo đúng quy định nhưng chưa nhận hỗ trợ với số tiền hơn 5,67 tỷ đồng.
Đây là các trường hợp đã được cơ quan BHXH giải quyết nhưng chưa thể thực hiện chi trả. Nguyên nhân được xác định đó là: người lao động đăng ký nhận tiền mặt nhưng chưa đến cơ quan BHXH nhận; cơ quan BHXH đã chuyển ngân hàng để chi trả nhưng chưa chuyển được do sai số tài khoản; cơ quan BHXH không thể liên hệ được với người lao động (không liên lạc được qua số điện thoại do người lao động cung cấp); một số trường hợp có địa chỉ liên hệ, cơ quan BHXH đã đến tận nhà để thông tin nhưng người lao động không có mặt ở địa phương…
Với những trường hợp này, người lao động sẽ nhận hỗ trợ khi cung cấp lại thông tin số tài khoản hoặc đến nhận tại cơ quan BHXH; và quyền lợi của người lao động sẽ luôn được đảm bảo theo đúng quy định.
PV: Theo ông làm sao có thể triển khai chính sách chi hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động một cách minh bạch và hiệu quả?
Ông Lê Hùng Sơn: Chính sách hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Chính sách này có độ bao phủ rộng, quy mô lớn nhất từ trước đến nay; lợi ích trực tiếp, thiết thực, kịp thời đối với người lao động và chủ sử dụng lao động.
Đặc biệt, quá trình vào cuộc và triển khai thực hiện của ngành BHXH Việt Nam trên cơ sở nguồn dữ liệu quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp của trên 13 triệu người lao động- là mấu chốt để thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, khẩn trương, đúng đối tượng, đúng mục đích, với trên 99% người lao động nhận hỗ trợ qua tài khoản cá nhân. Qua đây, củng cố niềm tin của người lao động đối với chính sách an sinh của Đảng, Nhà nước nói chung và bảo hiểm thất nghiệp nói riêng.
Đồng thời, nguồn dữ liệu của cơ quan BHXH cũng được hoản thiện, bổ sung trên 13 triệu số tài khoản cá nhân để phục vụ cho quá trình thụ hưởng chính sách lâu dài của người lao động.
Dù vậy, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế để rút ra bài học kinh nghiệm. Đó là, quá trình xây dựng chính sách cần nghiên cứu, dự báo đối tượng chịu tác động sát với thực tế; cần lường trước những khó khăn phát sinh trong thực tiễn để có giải pháp chủ động xử lý…
Thực tiễn chi hỗ trợ cũng cho thấy, quá trình tham gia và hưởng của người lao động dài, phức tạp, có nhiều biến động, thay đổi thông tin… Đây là vấn đề cần đặt ra trong công tác quản lý, cập nhật dữ liệu đóng-hưởng của cơ quan BHXH; đảm bảo dữ liệu chuẩn cho hàng triệu người lao động.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!