BHXH Việt Nam sẽ nghiên cứu tăng cường ứng dụng công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra kiểm tra

25-04-2022 17:33 | Thời sự

SKĐS - Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ nghiên cứu tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ TTKT, để tiếp tục cải tiến phương pháp, nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian làm việc song vẫn đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, quy định của pháp luật về TTKT.

Ông Lò Quân Hiệp- Vụ trưởng Vụ Thanh tra-Kiểm tra (BHXH Việt Nam) đã trao đổi về vấn đề này

PV: Ông có thể cho biết công tác thanh tra kiểm tra của ngành BHXH Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Lò Quân Hiệp: Có thể nói, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thanh tra kiểm tra (TTKT) nói chung và hoạt động TTKT của ngành BHXH Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, đây là thách thức và cũng là cơ hội để thay đổi tư duy về phương pháp tổ chức thực hiện TTKT, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý trong tình hình mới.

Để kịp thời thích ứng với tình hình mới, ngành BHXH Việt Nam đã áp dụng linh hoạt cách thức tổ chức tiến hành TTKT, tăng cường cải tiến phương pháp TTKT, đẩy mạnh ứng dụng CNTT để rà soát, phân tích dữ liệu (bao gồm dữ liệu nghiệp vụ có sẵn và dữ liệu do đơn vị cung cấp) với nguyên tắc TTKT theo cơ chế quản lý rủi ro, hạn chế tối đa việc TTKT trực tiếp tại đơn vị.

BHXH Việt Nam sẽ nghiên cứu tăng cường ứng dụng công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ tranh tra kiểm tra - Ảnh 1.

Ông Lò Quân Hiệp- Vụ trưởng Vụ Thanh tra-Kiểm tra (BHXH Việt Nam)

Hoạt động TTKT trực tiếp chỉ diễn ra khi thông qua hoạt động rà soát, phân tích dữ liệu phát hiện có dấu hiệu bất thường, hoặc có căn cứ cho rằng có vi phạm pháp luật.

Trong hai năm (2020-2021), toàn Ngành đã rà soát, phân tích dữ liệu và chủ trì, phối hợp thực hiện TTKT tại 24.104 đơn vị, phát hiện gần 77.221 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu gần 276 tỷ đồng, yêu cầu các đơn vị khắc phục 4.508 tỷ đồng nợ BHXH, BHYT; yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH gần 14,8 tỷ đồng, về quỹ BH thất nghiệp 3,3 tỷ đồng, về quỹ BHYT 142,2 tỷ đồng.

PV: BHXH Việt Nam đã có phương án, giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng tình trạng nợ đọng, vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT thưa ông?

Ông Lò Quân Hiệp: Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ nghiên cứu tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ TTKT, để tiếp tục cải tiến phương pháp, nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian làm việc song vẫn đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, quy định của pháp luật về TTKT và xử lý vi phạm hành chính.

Đồng thời, sẽ hoàn thiện phần mềm quản lý công tác TTKT giai đoạn 2 gắn với xây dựng hệ thống cảnh báo rủi ro, nhận diện hành vi vi phạm (hiện tại BHXH Việt Nam đã xây dựng 121 dấu hiệu nhận diện của 77 hành vi vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; 141 dấu hiệu nhận diện sai sót trong nghiệp vụ); tự động hóa các bài toán, câu lệnh phân tích dữ liệu thường dùng bằng việc xây dựng chức năng trên phần mềm quản lý công tác TTKT

Ngoài ra, giải pháp nhân sự cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT.

Cụ thể: Cần phải thay đổi nhận thức, tư duy của nguồn nhân lực làm công tác TTKT về phương pháp làm việc, cách thức tổ chức thực hiện TTKT trong thời đại 4.0.

Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ, kỹ năng khai thác dữ liệu điện tử, kỹ năng phân tích, đánh giá số liệu, kiến thức về hiểu biết, khai thác tối đa hóa CSDL của Ngành…

PV: Hiện nay, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Trước yêu cầu thực tiễn, ông có đề xuất gì trong việc sửa đổi Luật Thanh tra, để công tác TTKT của ngành BHXH hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa?

Ông Lò Quân Hiệp: Thực tế những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT có chiều hướng gia tăng với mức độ ngày càng tinh vi và phức tạp, nhiều vi phạm có giá trị lớn (nhất là lĩnh vực KCB BHYT) và chủ yếu xuất phát từ ý thức chủ quan của con người.

Tuy nhiên, hiện nay ngành BHXH Việt Nam chỉ có chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, chứ không có chức năng thanh tra chuyên ngành về thanh toán và hưởng các chế độ BHXH, BHYT, nên rất khó khăn trong việc phát hiện cũng như xử lý các hành vi vi phạm.

Trong khi đó với cơ sở vật chất, hệ thống dữ liệu tập trung và năng lực sẵn có của lực lượng làm công tác TTKT của ngành BHXH Việt Nam, thì không chỉ việc thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT đạt kết quả cao, mà việc kiểm tra của Ngành cũng đã đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả của hoạt động kiểm tra thông thường trong tổ chức thực hiện của cơ quan BHXH, không mang tính quyền lực nhà nước, không có thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm này, cho nên chỉ dừng ở việc kiến nghị thu hồi, không có nhiều tác dụng trong quản lý và cân đối quỹ BHXH, BHYT.

Ngoài ra, kết quả kiểm tra chỉ có giá trị tức thời, chưa có giá trị chấn chỉnh, răn đe tạo nên sự ổn định, lâu dài trong việc tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Nếu vấn đề này kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thất thoát, mất cân đối quỹ BHXH, BHTN, BHYT.

Vì vậy, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận để hưởng chế độ hoặc lạm dụng, trục lợi quỹ, trong đó đặc biệt là ngăn chặn việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, tiến tới cân đối, phát triển quỹ BHYT, BHXH; đảm bảo tối đa quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng và góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, Ngành BHXH rất cần có thẩm quyền mang tính quyền lực Nhà nước để thực hiện có hiệu quả những vấn đề nêu trên.

Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp, đề xuất với các cơ quan hữu quan trong quá trình xây dựng, sửa đổi các đạo luật như: Luật thanh tra, Luật BHXH, Luật BHYT với mục tiêu: BHXH Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra để thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với các chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hiện tại, trong Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV có quy định nội dung "thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan nhà nước khác để thực hiện thanh tra theo quy định của luật chuyên ngành, yêu cầu quản lý" là phù hợp với xu hướng đổi mới, tư duy hội nhập quốc tế trong quan niệm về vị trí, chức năng của cơ quan thanh tra trong Hệ thống chính trị của nước ta.

Đồng thời, điều đó cũng phù hợp với cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn hoạt động của công tác thanh tra, kiểm tra Ngành BHXH trong thời gian vừa qua và trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Hoàng (thực hiện)
Ý kiến của bạn