Chiều 10/1, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã dự Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2022 BHXH Việt Nam.
Bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người dân
Sau khi nghe báo cáo của BHXH Việt Nam và 8 ý kiến tham luận của các đơn vị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã gợi mở, nêu một số vấn đề quan trọng để BHXH Việt Nam hoàn thiện báo cáo, đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2021, đất nước ta tiếp tục phải chống đỡ với những khó khăn, thách thức rất lớn, trong đó có đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã tác động tiêu cực tới tất cả các mặt KT-XH của đất nước, thu nhập của người dân.
Trước những thách thức, khó khăn đó, BHXH Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có nhiều kết quả rất quan trọng trên nhiều mặt.
Trước hết, BHXH Việt Nam đã thích ứng linh hoạt với diễn biến dịch COVID-19, bảo đảm tốt nhất quyền lợi người dân. Cụ thể, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam đã kịp thời triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia bảo hiểm, cũng như an toàn phòng, chống dịch COVID-19, với nhiều phương thức sáng tạo, linh hoạt như: Chi trả gộp 2 tháng lương hưu, chi trả lương hưu tại nhà,…
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã đề xuất, triển khai thực hiện thành công các chính sách hỗ trợ đối với người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
BHXH Việt Nam đã chủ động tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động.
Đồng thời, tổ chức triển khai hiệu quả gói hỗ trợ trên 38.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ.
Để triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất gói hỗ trợ đến tận tay người lao động, người sử dụng lao động, BHXHVN đã tập trung huy động mọi nguồn lực sẵn có để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; phát huy lợi thế của hệ thống công nghệ thông tin, rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục và thời gian chi trả.
Chỉ sau 5 ngày, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc thông báo điều chỉnh mức đóng (giảm từ 1% xuống 0%) vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 363.000 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền khoảng 7.595 tỷ đồng; đã chi trả chế độ hỗ trợ cho 12.941.196 lao động với số tiền khoảng 30,73 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, cơ bản gói hỗ trợ trên đã được thực hiện xong, đạt được đồng thuận rất cao của các đối tượng thụ hưởng.
Năm 2021, trong điều kiện KT-XH gặp nhiều khó khăn, độ bao phủ bảo hiểm vẫn tăng lên, đây là thành công rất lớn. Đặc biệt là có hơn 1,45 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức. Con số này cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, một thành công nữa rất đáng ghi nhận là năm 2021, công tác chuyển đổi số của ngành BHXH đã có bước chuyển mình quan trọng. Chuyển đổi rất nhanh, bài bản, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành (hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu dân; ứng dụng "VssID - bảo hiểm xã hội số",…).
Về công tác thanh tra, kiểm tra, năm 2021, BHXH Việt Nam đã tập trung đổi mới từ phương pháp, cách thức thanh tra, kiểm tra, kết hợp giữa giải pháp truyền thống với thanh tra theo phương thức điện tử. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, giải pháp này đã giúp tăng hiệu quả, chất lượng, giảm nhân lực, thời gian thanh tra, kiểm tra.
Vượt chỉ tiêu về chi trả chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt
Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng giai đoạn 2020-2025.
Năm 2021, hơn 57% số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp nhận qua tài khoản cá nhân ở khu vực đô thị. Con số này tăng 9% so với năm 2020 (tăng 28% so với năm 2019 là thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP), vượt 7% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Năm 2021 công tác truyền thông của BHXHVN tiếp tục được đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp, thích ứng linh hoạt trong bối cảnh giãn cách xã hội. Qua đó, đã tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận trong triển khai chính sách BHXH, BHYT ở các cấp, các ngành; nhận thức của người dân về sự cần thiết, ý nghĩa, lợi ích, giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT ngày càng được nâng cao, niềm tin vào chính sách tiếp tục được củng cố.
Quản lý quỹ an toàn, đúng hướng, lãi suất tăng lên
Phó Thủ tướng đánh giá cao BHXH Việt Nam trong công tác quản lý các quỹ bảo hiểm an toàn, sử dụng quỹ đúng hướng, lãi suất tăng lên.
Cụ thể, số dư của 3 quỹ (BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp) đã đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2020; tiết kiệm 10-15% chi phí quản lý.
Đặc biệt, quỹ được BHXH Việt Nam sử dụng trên 86% mua trái phiếu Chính phủ, còn lại gửi các Ngân hàng thương mại Nhà nước xếp loại tốt; lãi suất đầu tư bình quân 4,8%, cao hơn 3% so với chỉ số lạm phát năm 2021.
BHXH Việt Nam là nhà đầu tư lớn nhất thị trường trái phiếu Chính phủ, giúp Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô, phục vụ phát triển KT-XH của đất nước.
Với những kết quả nổi bật trên, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chúc mừng và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quán triệt triển khai, vượt qua những khó khăn, thách thức để đạt được những thành tích trên, góp phần ổn định, phát triển KT-XH của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân trong thời gian chống dịch COVID-19.
Mở rộng độ bao phủ, giải quyết chế độ kịp thời, thuận tiện
Trong năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và đề nghị ngành BHXH Việt Nam cần tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả.
Theo đó, BHXH Việt Nam cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan rà soát, hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp, BHYT; rà soát các vướng mắc pháp luật liên quan đến quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và sớm đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các Nghị quyết của Trung ương, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý của BHXH Việt Nam.
Tiếp tục mở rộng độ bao phủ, đẩy mạnh phát triển số người tham gia BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết chế độ bảo hiểm chính xác, kịp thời, thuận tiện; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ người dân, khuyến khích giải quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và chi trả không dùng tiền mặt.
Kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Phó Thủ tướng yêu cầu BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung, đảm bảo thực hiện kịp thời, hiệu quả chế độ, chính sách cho các đối tượng được thụ hưởng chế độ bảo hiểm, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí, trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp, BHYT. Tập trung thu hồi các khoản chi sai mục đích, sai quy định, các khoản nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm.
Phó Thủ tướng yêu cầu BHXH Việt Nam phải quản lý các quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, bền vững và hiệu quả, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển KT-XH của đất nước và bảo đảm an sinh xã hội. "Quỹ này mà có vấn đề gì thì rất gay go", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân
Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; chống tiêu cực, tham nhũng.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, bảo đảm thông suốt, chính xác, nhanh chóng, an toàn, tạo thuận lợi cho người dân giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông theo hướng đa dạng, linh hoạt, thiết thực, để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp.
"Nhận thức của người dân, doanh nghiệp có thông thì chính sách bảo hiểm mới dễ đi vào cuộc sống", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Nhấn mạnh yếu tố quan trọng hàng đầu là yếu tố con người, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Với những thành tích đã đạt được trong năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2022, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhân dân.