Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chiều ngày 31/10, câu chuyện lương hưu thấp của cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh là vấn đề được đông đảo báo chí quan tâm tìm hiểu bởi sau gần 23 năm đóng BHXH nhưng khi về hưu lương của cô Lan chỉ đạt 1,3 triệu- bằng lương cơ bản …
Hai giai đoạn đóng BHXH
Theo BHXH Việt Nam, mặc dù có 37 năm công tác, làm giáo viên mầm non cô giáo Trương Thị Lan có 2 giai đoạn đóng BHXH, với tổng thời gian là 22 năm 8 tháng: Một giai đoạn không theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và giai đoạn đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Do đó, việc tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 62 Luật BHXH.
Cụ thể: Giai đoạn từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2012 tính theo mức điều chỉnh tiền lương quy định tại Thông tư số 42/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ LĐ-TB&XH có tổng số tiền đóng BHXH sau khi điều chỉnh là 249.818.200 đồng.
Giai đoạn từ tháng 01/2013 đến tháng 8/2017 tính theo mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng có tổng số tiền đóng BHXH là 247.728.260 đồng.
Từ đó mức lương bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cả quá trình 22 năm 8 tháng là:
Việc mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của cô giáo Trương Thị Lan thấp là do 17 năm từ tháng 1/1995 - tháng 12/2012, cô giáo Trương Thị Lan luôn đóng BHXH trên nền tiền lương rất thấp.
Thời gian tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định cao hơn một chút (dao động theo hệ số 3,06; 2,86; 3,26 và 3,46) chỉ trong 4 năm 8 tháng nên kết quả tổng tiền lương bình quân cả quá trình đóng BHXH thấp..
Về tỷ lệ lương hưu
BHXH Việt Nam cho biết, theo quy định tại Khoản 1, Điều 56 Luật BHXH thì 15 năm đầu đóng BHXH được tính bằng 45% sau đó cứ thêm 1 năm được tính bằng 3% đối với nữ, trường hợp của bà Lan có 22 năm 8 tháng đóng BHXH được tính như sau:
15 năm tính bằng 45%, 7 năm tiếp theo tính 7 x 3% bằng 21%, 8 tháng lẻ tính tròn 1 năm bằng 3%. Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 45% 21% 3% = 69%.
Theo thống kê hiện cả nước có khoảng trên 3.200 người có mức lương hưu thấp tương tự như cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh
Về mức lương hưu hàng tháng
Theo thông tin của BHXH, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 56 Luật BHXH: Mức lương hưu hàng tháng của cô giáo Trương Thị Lan được tính bằng 1.829.215 đồng x 69% = 1.262.158 đồng/tháng.
Do lương hưu của cô giáo Trương Thị Lan thấp hơn mức lương cơ sở nên theo quy định tại Khoản 5 Điều 56 Luật BHXH, lương hưu của bà Lan được bù bằng mức lương cơ sở là: 1.300.000 đồng/tháng.
Như vậy, căn cứ quy định của pháp luật về BHXH hiện hành và hồ sơ tham gia BHXH thực tế của bà Lan thì BHXH tỉnh Hà Tĩnh tính mức tiền lương hưu hàng tháng đối với cô giáo Trương Thị Lan là đúng quy định.
Lương hưu của giáo viên mầm non thấp: Vì sao?
Tại cuộc họp báo, bà Đinh Thị Thu Hiền- Phó trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH Việt Nam) - cho biết , trước tháng 1/1995 giáo viên mầm non không được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước nên xét tổng thể chung thời gian công tác là giáo viên mầm non trước tháng 01/1995 không được tính là thời gian công tác để hưởng BHXH.
Từ ngày 1/1/1995, theo quy định tại Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ, giáo viên mầm non không thuộc đối tượng tham gia đóng BHXH nên thời gian này cũng không được tính hưởng BHXH.
Đến ngày 19/8/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP về chủ trương khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, có chính sách phát triển giáo dục mầm non và khi đó mới quy định giáo viên mần non công lập và ngoài công lập thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Để tạo điều kiện cho giáo viên mầm non khi hết tuổi lao động có đủ điều kiện hưởng lương hưu, Bộ Giáo dục và Đào tạo, BHXH Việt Nam đã ban hành văn bản số 2150/GDĐT-BHXH ngày 22/3/2004 với nội dung: “Người lao động đã có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở giáo dục mầm non trước hoặc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP mà chưa tham gia đóng BHXH thì có thể đóng BHXH cho thời gian từ 01/1995 đến khi đã tham gia đóng BHXH (mức đóng tính trên mức lương tối thiểu chung)”.
Do đó, những trường hợp truy đóng BHXH thì thời gian đóng BHXH được tính từ tháng 01/1995.
Tiếp theo đó, nhằm tạo điều kiện cho giáo viên có thời gian công tác trước tháng 01/1995 mà khi nghỉ việc hết tuổi lao động nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH có thể đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu, ngày 18/8/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 45/2011/QĐ-TTg quy định hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho những giáo viên này (mức hỗ trợ cũng tính trên mức tiền lương tối thiểu chung)
Với diễn biến quy định của chính sách nêu trên, BHXH Việt Nam cho biết lương hưu của giáo viên mầm non thấp là tình hình chung của nhiều địa phương.
Cụ thể: Thời gian đóng BHXH ngắn (thường chỉ đóng BHXH từ tháng 1/1995 trở đi cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mới chỉ đóng đủ 20 năm) nên tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ khoảng 60%.
Mức đóng BHXH chủ yếu chỉ tính trên mức tiền lương tối thiểu chung (sau gọi là lương cơ sở, hiện nay là 1.300.000 đồng/tháng) nên lương hưu thấp (khoảng 60% của lương cơ sở).
Họ thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau gồm: Cán bộ xã không chuyên trách, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non công lập trước ngày 1/1/1995 có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở, một số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.