ĐBQH Nguyễn Thị Thanh Cầm. - đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã nhấn mạnh điều này khi trao đổi về vai trò của BHXH Việt Nam trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Quan điểm của bà về chính sách an sinh xã hội ở nước ta như thế nào?
- ĐBQH Nguyễn Thị Thanh Cầm: Chúng ta cần khẳng định, thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực an sinh xã hội. Theo đó, hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản hoàn thiện, từng bước tiến tới mục tiêu đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, cơ bản đảm bảo quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…
Tại Việt Nam, hệ thống chính sách an sinh xã hội gồm 4 nhóm cơ bản, bao gồm: Thứ nhất, nhóm chính sách việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo sẽ hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro thông qua tham gia thị trường lao động, để có được việc làm tốt, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững;
Thứ hai, nhóm chính sách BHXH hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già… thông qua tham gia BHXH để chủ động bù đắp phần thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro trên.
Thứ ba, nhóm chính sách trợ giúp xã hội, bao gồm chính sách trợ cấp thường xuyên và trợ cấp đột xuất. Nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông. Trong đó, trụ cột chủ yếu và phổ quát là BHXH (bao gồm BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm thất nghiêp - bệnh nghề nghiệp) và BHYT (từ năm 2015 theo quy định BHYT bắt buộc).
Nhóm thứ tư tiếp theo đó là các nhóm chính sách về việc làm, giảm nghèo, bảo trợ xã hội.
Các chính sách an sinh xã hội, nhất là BHXH, đã giúp cho người lao động (NLĐ) có cuộc sống tối thiểu, ổn định, bù đắp những khó khăn nhất định khi NLĐ nghỉ hưu, góp phần bảo đảm lưới an sinh cho xã hội. Các nhóm chính sách bảo trợ xã hội giúp cho người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, bảo đảm một phần cuộc sống. Các chính sách giảm nghèo hỗ trợ cho người nghèo thoát nghèo và vươn lên.
Chính sách BHYT phát huy vai trò quan trọng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng gia tăng và giảm chi phí khi đi khám chữa bệnh cho người dân; đồng thời cũng giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn, góp phần giúp những người khó khăn khi ốm đau giảm thiểu rủi ro, tránh tình trạng nghèo hóa.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) không chỉ mở rộng diện bao phủ đến mọi NLĐ, mà còn mở rộng diện thụ hưởng chính sách, nhất là chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Bà có đề xuất gì nhằm hoàn thiện chính sách này?
- ĐBQH Nguyễn Thị Thanh Cầm: Chế độ thai sản hiện được quy định trong Bộ luật Lao động và Luật BHXH, áp dụng cho những người tham gia BHXH bắt buộc- được đánh giá khá ưu việt cả về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng: Được trợ cấp một lần và hưởng nguyên lương trong thời gian nghỉ sinh con 6 tháng, có chế độ khám thai, thực hiện kế hoạch hóa gia đình...
Tuy nhiên, điều hạn chế là chế độ thai sản chỉ được áp dụng cho những người tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi đó, phần đông phụ nữ là lao động tự do, nông dân tham gia BHXH tự nguyện lại chưa có chế độ nghỉ thai sản; không có tiền lương khi nghỉ sinh con nên điều kiện còn khá khó khăn.
Hiện nay, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề xuất xây dựng chế độ hưu trí đa tầng bằng việc đưa chế độ hưu trí xã hội (sử dụng ngân sách nhà nước) vào trong Luật cùng với chế độ hưu trí do BHXH chi trả. Việc mở rộng diện bao phủ chế độ thai sản ở Việt Nam hiện nay nên chăng cũng đi theo cách tiếp cận tương tự, để giúp tất cả phụ nữ Việt Nam được hưởng chế độ thai sản, bất kể tình trạng việc làm của họ, dù họ là công nhân hay nông dân, lao động chính thức hay phi chính thức.
Bà đánh giá thế nào về sự chuyển đổi tác phong phục vụ của ngành BHXH Việt Nam, góp phần tạo nên đột phá trong thực hiện chính sách an sinh xã hội?
- ĐBQH Nguyễn Thị Thanh Cầm: Trong lĩnh vực BHXH, BHYT, hoạt động chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng và hiệu quả của dịch vụ. Nhiệm vụ này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân và tăng cường hiệu quả quản lý của ngành BHXH Việt Nam.
Chính vì vậy, cùng với cả hệ thống chính trị, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, mang lại những thay đổi đột phá, góp phần kiến tạo an sinh xã hội; qua đó góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam theo đúng định hướng Chính phủ số mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.
Được biết, 100% thủ tục của ngành BHXH đã được cung cấp trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng DVC BHXH Việt Nam; đồng thời từng bước tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Gần như tất cả các hoạt động của Ngành, cũng như các giao dịch của người dân, DN với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số. Do đó, không chỉ giúp người dân, DN có thể giao dịch với cơ quan BHXH mọi lúc, mọi nơi, mà còn có thể dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu người tham gia và hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, các đơn vị trong ngành BHXH Việt Nam cũng đã chủ động, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, chuyển từ phương thức quản lý thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ, nhằm tăng sự hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT.
Điều này giúp ngành BHXH Việt Nam chuyên nghiệp hơn, song để tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, toàn ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy tính chuyên nghiệp trong công tác phục vụ, sớm xây dựng và thực hiện Đề án cải cách tổ chức bộ máy, để tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quản lý cũng như thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao...
- Trân trọng cảm ơn bà!