Hà Nội

BHXH Việt Nam: Nỗ lực phát triển đối tượng tham gia năm 2020 trong trạng thái bình thường mới

15-06-2020 17:23 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Để thực hiện nhiệm vụ thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 trong thời gian thiết lập trạng thái bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội vừa chống dịch hiệu quả, BHXH Việt Nam vừa yêu cầu Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố quyết liệt chỉ đạo, tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương để hoàn thành các chỉ tiêu về công tác BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: Giao lãnh đạo BHXH tỉnh phụ trách lĩnh vực, trưởng phòng quản lý thu, cán bộ chuyên quản nắm chắc tình hình từng đơn vị, BHXH cấp huyện; Hằng tháng, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Rà soát lao động, tiền lương tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.  Xây dựng kế hoạch cụ thể làm việc hàng tuần với tất cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (trực tiếp tại đơn vị hoặc mời doanh nghiệp lên làm việc) để chia sẻ, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, phương án sử dụng lao động theo từng tháng, quý, năm (lao động tiếp tục tham gia BHXH, chấm dứt hợp đồng lao động; nghỉ không lương; tạm hoãn hợp đồng lao động; ngừng việc có hưởng tiền lương,...). Thống nhất với doanh nghiệp đóng BHXH bắt buộc cho người lao động đúng quy định khi hết ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Hoàn thành trong tháng 6/2020.

Tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu về BHXH, BHYT. (Ảnh minh họa)

Tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu về BHXH, BHYT. (Ảnh minh họa)

Rà soát lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc từ dữ liệu cơ quan thuế cung cấp. Xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết hằng tuần, tháng, quý về số lượng doanh nghiệp được điều tra, khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ dữ liệu cơ quan thuế đến từng cán bộ. Phân công lãnh đạo phụ trách, đôn đốc, theo dõi và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng của cán bộ được giao nhiệm vụ.

Thực hiện nghiêm túc việc cập nhật số liệu kịp thời, đầy đủ kết quả sau khi điều tra, khảo sát các doanh nghiệp vào phần mềm.

Đối với đơn vị không chấp hành đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đột xuất và lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình: Giao lãnh đạo BHXH tỉnh phụ trách, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, cán bộ chuyên quản nắm chắc tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, phong tục tập quán, thu nhập của người dân,... đến cấp xã. Trên cơ sở đó, xác định nhóm đối tượng tiềm năng (lao động tại các làng nghề, tiểu thương tại các khu chợ, thương mại, lao động tự do có thu nhập ổn định,...) để tập trung khai thác, vận động đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phù hợp. Chú trọng phát huy tối đa sự ảnh hưởng của già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng thôn, trưởng khu phố... trong công tác tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có sáng kiến, thành tích cao trong truyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; những gia đình, cá nhân vận động được nhiều người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Có kế hoạch cụ thể, giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình hằng tuần, tháng, quý cho các hệ thống đại lý thu trên địa bàn, chi tiết đến từng nhân viên đại lý thu và nghiệm thu kế hoạch, chỉ tiêu giao theo từng tuần.

Tiếp tục phối hợp tổ chức hiệu quả các hội nghị khách hàng để vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

Về đôn đốc đóng, nộp tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp: Hằng tháng, gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT (Mẫu số C12-TS) và giám sát việc gửi Mẫu C12-TS đến trực tiếp chủ sử dụng lao động theo đúng quy định.

Đối với các doanh nghiệp đã giải quyết tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí tử tuất: thường xuyên đôn đốc doanh nghiệp đóng, đầy đủ quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Khi kết thúc thời hạn tạm dừng đóng, chủ động đôn đốc ngay đơn vị, doanh nghiệp đóng kịp thời BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và đóng bù vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định. Đối với các đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT (trừ các đơn vị tạm dừng đóng), thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất theo đúng hướng dẫn của BHXH Việt Nam.


Nguyễn Nam
Ý kiến của bạn