Thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ, chính sách cho người tham gia
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 cuả BHXHViệt Nam, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã kịp thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch COVID-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Truyền thông về chính sách BHXH, BHYT đến người dân.
Đồng thời, thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ, chính sách cho người tham gia; triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng, giảm nợ đọng BHXH, BHYT. Việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Tính đến tháng 6/2020, toàn ngành đã giải quyết 60.523 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 454.209 người hưởng trợ cấp 1 lần; 4.589.884 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho 474.622 người hưởng chế độ BH thất nghiệp. Thanh toán chi phí KCB BHYT cho 77,657 triệu lượt người.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bưu điện chi trả gộp lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4-5/2020; tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tại nhà cho người hưởng nhận bằng tiền mặt. Đồng thời, tiếp tục mở rộng việc thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua bưu điện.
Bằng mọi biện pháp hoàn thành mục tiêu
Theo thống kê của BHXH các địa phương, tính đến hết tháng 6, cả nước có khoảng 15,144 triệu người tham gia BHXH; 85,521 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 88,3% dân số). Có thể thấy, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đều sụt giảm so với cuối năm 2019. Chỉ có số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 96,8 nghìn người, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện trong cả nước lên 670,8 nghìn người, đạt 55,9% kế hoạch. Số thu toàn ngành cũng đạt 45,3% kế hoạch cả năm (tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2019).
Theo BHXH các địa phương, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT vẫn còn phổ biến; tỷ lệ nợ còn cao, trong đó nợ do NSNN đóng, hỗ trợ đóng có xu hướng tăng. Tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) khoảng 21.231 tỷ đồng (bằng 5,3% số phải thu). Trong khi đó, việc xử lý nợ đối với doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn... vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn xảy ra tại một số nơi, nhất là có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu khẳng định, bằng mọi giải pháp, ngành BHXH phải đạt được tỷ lệ 90,7% dân số tham gia BHYT theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg. Mặc dù việc phát triển BHXH bắt buộc sẽ gặp khó khăn hơn do tình trạng chung của nền kinh tế, tuy nhiên BHXH tự nguyện có sự gia tăng đáng kể đối tượng tham gia, nên sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối năm 2020. Đề nghị BHXH các địa phương cần thường xuyên trao đổi với các ban chuyên môn, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc, sử dụng linh hoạt các giải pháp để cố gắng đạt kế hoạch của năm.
Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, các địa phương cần chủ động thông báo, phối hợp cùng Sở Y tế xây dựng, thống nhất thực hiện các chương trình, kế hoạch kiểm soát, đảm bảo sử dụng hợp lý kinh phí KCB BHYT tại từng cơ sở KCB. Đặc biệt lưu ý về công tác điều hành dự toán, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu các địa phương phải đánh giá tình hình, phát hiện các bất hợp lý trong dự toán, để báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh ngay theo thẩm quyền...