Bếp parabol thành... phế liệu

15-12-2012 10:13 | Xã hội
google news

Cách đây hơn 5 năm, vào năm 2007, chúng tôi về hai khối phố Bình Kỳ và Bá Tùng của phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) để đưa tin, viết bài, ghi hình về Tổ chức Phục vụ năng lượng mặt trời (Solar Serve)

(SKDS) - Cách đây hơn 5 năm, vào năm 2007, chúng tôi về hai khối phố Bình Kỳ và Bá Tùng của phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) để đưa tin, viết bài, ghi hình về Tổ chức Phục vụ năng lượng mặt trời (Solar Serve) Đà Nẵng, hỗ trợ các hộ dân thuộc hai khối phố này thiết bị bếp parabol sử dụng năng lượng mặt trời của Dự án làng năng lượng mặt trời Hoà Quý. Theo đó, 300 hộ dân của hai khối phố trên may mắn được hỗ trợ và tập huấn sử dụng thiết bị bếp nấu bằng năng lượng mặt trời nhằm phục vụ cho đời sống sinh hoạt hằng ngày của nhân dân.

Bếp parabol được thiết kế mô hình chiếc chảo, hội tụ ánh sáng mặt trời tại một điểm rồi toả ra sức nhiệt (nóng) làm sôi chín thức ăn, nước uống, cơm, thức ăn gia súc, gia cầm phục vụ chăn nuôi… Chân bếp được di chuyển, cơ động và điều chỉnh theo hướng mặt trời để tích tụ một lượng nhiệt cao nhất. Loại bếp này nấu nhanh, toả nhiệt cao như ngọn lửa tự nhiên, nhưng buộc người nấu phải theo dõi liên tục, thường xuyên phải đứng ngoài trời vì dễ xảy ra sự cố, nguy hiểm nhất là đối với trẻ em.
 
Đặc biệt, nhược điểm của bếp parabol là phụ thuộc vào thời tiết, ngoài trời nắng nhẹ, âm u, nhiệt độ thấp, mưa, lạnh thì bếp không phát huy tác dụng. Chỉ khi nào nắng gắt, nhiệt độ cao thì bếp mới sử dụng tốt, hiệu quả. Như vậy, rõ ràng bếp chỉ nấu vào mùa nắng, còn mùa mưa thì cất vào góc vườn. Do tính tiện ích của bếp mang lại không cao, lại phụ thuộc vào thời tiết là chính, hơn nữa hằng năm, những đợt mưa, lũ khiến các bộ phận của bếp bị gỉ sét, hư hỏng không sửa chữa được, di chuyển bếp cồng kềnh vì nặng nên người dân đã mang bếp đi… bán phế liệu, đồng nát gây lãng phí cho một Dự án làng năng lượng mặt trời.
Bếp parabol thành... phế liệu 1
 Nhiều bếp parabol đã trở thành phế liệu như thế này.

Chúng tôi có dịp trở lại thăm hai khối phố Bình Kỳ và Bá Tùng, nơi đây không còn cảnh ngày nào cả làng ai cũng nấu nướng ngoài sân cười nói râm ran, bây giờ, số nhà còn sử dụng bếp parabol thì chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, đa số họ đã chuyển sang nấu bếp gas. Bà Nguyễn Thị Ba (ở khối phố Bình Kỳ) bộc bạch: "Từ khi sử dụng loại bếp parabol, cả khối phố được gọi với tên thân thiện với môi trường: Làng năng lượng mặt trời. Ban đầu, Dự án được người dân phấn khởi, vui mừng đón nhận vì giải quyết khó khăn trong việc đun nấu và tiết kiệm tiền chất đốt, gas. Thế nhưng qua một thời gian đưa vào sử dụng, bếp đã bộc lộ những bất tiện, lại phụ thuộc vào nhiệt độ bên ngoài nên người dân không còn mặn mà dùng bếp nữa và quyết định bỏ". Ông Trần Hùng (ở khối phố Bá Tùng) thì có ý kiến cho rằng: "Bếp bỏ không là do nhiều nguyên nhân, trong đó các hộ dân thuộc diện di dời, giải toả, không có đất để đặt bếp, thiếu ánh sáng mặt trời cho nên người dân đã ngừng sử dụng hẳn, mang bếp đi bán phế liệu với giá đồng nát, trong khi Tổ chức Phục vụ năng lượng mặt trời đầu tư mỗi bếp lên đến bạc triệu, gây lãng phí cho một Dự án".

Rõ ràng Dự án làng năng lượng mặt trời với sản phẩm thân thiện môi trường bị lãng phí là do không được tiếp tục phát huy, sử dụng khiến mục đích ban đầu của Dự án không đạt hiệu quả như mong muốn.

Bài, ảnh: Bảo Ngọc


Ý kiến của bạn