Bếp ăn tập thể: Kiểm tra là phát hiện sai phạm

24-08-2018 06:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Mới đây, chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 2 vụ ngộ độc tập thể do ăn suất ăn của bếp ăn tập thể (BATT) từ nơi khác vận chuyển đến.

Với gần địa bàn có hàng ngàn BATT, vấn đề ngộ độc thực phẩm (NĐTP) của Hà Nội luôn rình rập nếu không được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là khâu kiểm soát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm. Thực tế này cho thấy, nếu không có sự giám sát chặt chẽ, NĐTP sẽ không chỉ dừng ở mức “nguy cơ”..

Khoảng 70% vụ NĐTP sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến

Theo ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện trên trên địa bàn Hà Nội có 4.256 BATT, trong đó có 457 BATT khu công nghiệp. Mặc dù công tác quản lý ATTP các BATT khu công nghiệp đã được chú trọng, thậm chí giữa Sở Y tế và Ban Quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã ký Quy chế phối hợp về bảo đảm ATTP cho các cơ sở, song vẫn lác đác xảy ra một số vụ NĐTP tại các BATT.

“Nguyên nhân chủ yếu do quá trình chế biến, vận chuyển chưa đảm bảo các điều kiện về ATTP, đặc biệt nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế”- ông Chung cho hay.

Bếp ăn tập thể: Kiểm tra là phát hiện sai phạmLãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra một bếp ăn tập thể trên địa bàn.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hình thức đơn vị có BATT ký hợp đồng cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp với các công ty có giấy phép kinh doanh loại hình dịch vụ ăn uống chiếm tới 80% và do đơn vị tự nấu phục vụ nhân viên chỉ chiếm 20%. Trong khi đó, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Hoàng Thị Minh Thu cho biết, khi cơ sở cung ứng ở xa BATT, thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi nấu đến nơi sử dụng dài, nếu phương tiện vận chuyển không bảo đảm rất dễ ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, thậm chí gây hư hỏng, thực phẩm nhiễm vi sinh vật. Qua khảo sát các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại các khu công nghiệp, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã nhận định, khoảng 70% số vụ NĐTP là sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến phục vụ công nhân.

Sẽ tăng cường xử phạt vi phạm tại các BATT

Theo bà Hoàng Thị Minh Thu, các bếp ăn chưa bảo đảm ATTP đã được kiểm tra đa phần đều mắc các lỗi vi phạm như: thiết kế và tổ chức bếp không theo nguyên tắc một chiều, hệ thống cống thoát nước không bảo đảm; kho và thực hiện bảo quản thực phẩm không đúng; dụng cụ sống/chín không để riêng biệt; người chế biến không khám sức khỏe hoặc xác nhận kiến thức vệ sinh thực phẩm.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho rằng, muốn BATT bảo đảm an toàn, chủ DN cần chăm lo cho bữa ăn của công nhân, tăng cao định mức khẩu phần suất ăn, coi sức khỏe của người lao động là tài sản của DN. Đặc biệt, chính mỗi công nhân cần nhìn nhận vấn đề “sức khỏe là vốn quý” và nói không với những suất ăn giá rẻ mà mất an toàn.

Nguyên nhân là do chủ doanh nghiệp (DN) chưa thực sự quan tâm đến việc bảo đảm ATTP tại BATT. Có DN đã giao cho bộ phận nhân sự quản lý, nhưng bộ phận này lại ít khi kiểm tra hoặc nếu có cũng chỉ là hình thức. Một số DN liên kết nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống nấu tại chỗ, nhưng lại chưa chủ động cùng nhà thầu khắc phục ngay các điều kiện về cơ sở vật chất không bảo đảm tại bếp của đơn vị mình.

“Qua kiểm tra, Chi cục đã xử phạt 9 BATT vi phạm với số tiền 49,5 triệu đồng, Thanh tra Sở Y tế cũng đã kiểm tra 37 BATT, xử phạt 5 cơ sở số tiền 36 triệu đồng”- bà Thu thông tin.

Do vậy, bà Thu nhấn mạnh, chủ DN cần quan tâm định kỳ kiểm tra hoạt động BATT, phân định rõ và phối hợp với nhà thầu để kịp sửa chữa, nâng cấp cơ sở, trang thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thực hiện vệ sinh ATTP. Đặc biệt, chủ DN  nên tiến hành kiểm tra định kỳ nguồn gốc thực phẩm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh, thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP, quy trình điều tra xử lý NĐTP cho chủ cơ sở, người chế biến, người quản lý BATT của các DN. Bên cạnh công tác thanh, kiểm tra, sẽ tăng cường xử phạt vi phạm tại các BATT nhằm tăng sức răn đe và nâng cao trách nhiệm của các DN có BATT. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức thực hành của người chế biến, người sử dụng trong phòng, chống các nguy cơ về lây nhiễm và NĐTP.


ĐÔNG HƯNG
Ý kiến của bạn